Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin của Malaysia - Ảnh: THE STAR
Ngày 21-11, báo The Star đưa tin trong bối cảnh Malaysia ghi nhận ngày càng nhiều số ca bệnh nặng ở những người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin của Malaysia đã kêu gọi tất cả người dân nước này đi tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường khi có thể.
Bộ trưởng Khairy Jamaluddin nói rằng hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19 hiện nay sẽ bắt đầu giảm đi sau vài tháng. Trong đó, vắc xin của Hãng Sinovac (Trung Quốc) là loại vắc xin COVID-19 giảm đi tác dụng nhanh nhất.
"Mặc dù vắc xin Hãng Sinovac hiệu quả, nhưng đã có bằng chứng cho thấy hiệu quả của loại vắc xin này sẽ giảm đi sớm hơn. Đó là lý do chúng tôi muốn các bạn tiêm bất kỳ loại vắc xin tăng cường nào được cung cấp" - ông Khairy viết trên Twitter hôm 20-11.
Ông giải thích thời gian giảm hiệu quả nhanh hơn của vắc xin Sinovac là lý do cần tiêm nhắc lại vắc xin Sinovac sau 3 tháng, so với mức 6 tháng của vắc xin Hãng Pfizer và AstraZeneca.
Biểu đồ cho thấy số bệnh nhân nhập viện thuộc loại 4 và loại 5 tại Bệnh viện Sungai Buloh của Malaysia trong các tuần thống kê từ tuần thứ 35 tới 45. Màu xanh lá là số người tiêm vắc xin Hãng Sinovac, màu đỏ là Pfizer và màu xanh dương là AstraZeneca - Ảnh: Khairy Jamaluddin
Bộ trưởng Khairy đã chia sẻ một biểu đồ hiển thị số người đã tiêm vắc xin nhập viện do COVID-19 tại Bệnh viện Sungai Buloh của Malaysia. Biểu đồ cho thấy hầu hết các bệnh nhân loại 4 và 5 (theo phân loại tại Malaysia) là những người đã tiêm vắc xin Hãng Sinovac.
Trong tuần thống kê cuối cùng (tuần thứ 45), có 165 bệnh nhân loại 4 và 5 đã được tiêm vắc xin Hãng Sinovac nhập viện tại Bệnh viện Sungai Buloh. Trong khi đó, có 24 bệnh nhân là người đã tiêm vắc xin Pfizer và 7 bệnh nhân đã tiêm vắc xin AstraZeneca.
Theo báo The Star, loại 1 có nghĩa là bệnh nhân không có triệu chứng. Loại 2 dùng cho những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ. Các trường hợp thuộc loại 3 là bị viêm phổi. Các trường hợp ở loại 4 bị viêm phổi và cần thở oxy. Bệnh nhân loại 5 đang trong giai đoạn nguy kịch cần hỗ trợ máy thở.
Malaysia đã bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường vào tháng 10 năm nay, ưu tiên cho người cao tuổi, những người bị suy giảm miễn dịch cũng như các nhân viên tuyến đầu chống dịch. Đến nay Malaysia đã tiêm hơn 1 triệu mũi vắc xin tăng cường trên toàn quốc.
TTO - Cho tới lúc này, các nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 vẫn chủ yếu tập trung tại Mỹ và châu Âu. Nhưng thời gian tới tình hình sẽ khác khi nhiều quốc gia châu Á đã triển khai chiến lược đầu tư vào mảng này.