vĐồng tin tức tài chính 365

Chủ động nguồn hàng, an toàn phòng dịch phục vụ người dân sắm Tết

2021-11-22 09:08

Các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự trữ, bảo đảm lượng hàng hóa hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân mua sắm Tết. Tuy nhiên, do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, việc tổ chức bán hàng Tết cũng được tính toán linh hoạt, chủ động để đảm bảo an toàn.

Không để khan hàng, biến động giá

Theo Bộ Công Thương, mặc dù dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, các DN bán lẻ, hệ thống siêu thị và chính quyền địa phương đã sẵn sàng nguồn hàng, lên kế hoạch phục vụ trước mọi cấp độ và diễn biến của dịch COVID-19, bám sát mục tiêu bình ổn thị trường.

Các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa đã được chỉ đạo thực hiện dự trữ hàng hóa nhằm bình ổn thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chia sẻ với PV, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 dự kiến tăng 20-30% so với ngày thường nên về cơ bản sẽ vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả cơ bản ổn định.

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam - cho biết, để chuẩn bị cho dịp Tết 2022, MM Mega Market Việt Nam lên kế hoạch dự trữ cho những mặt hàng thiết yếu tăng từ 70-100% so với những tháng bình thường và tăng 20-30% so với dịp Tết 2021. Vì Tết 2022 diễn ra khá sớm và nền kinh tế đang trong giai đoạn dần phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch COVID-19 thứ 4, nên MM Mega Market tập trung đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt, cá, hàng thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống… và một số hàng phi thực phẩm như đồ dùng gia dụng phục vụ người tiêu dùng, tránh tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá cả leo thang.

“Hàng hóa Tết 2022 sẽ được MM Mega Market bắt đầu phục vụ từ hơn một tháng trước Tết. Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu, để đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, MM cung cấp thêm hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu và đặc sản Tết đa dạng, đảm bảo chất lượng” - bà Trần Kim Nga thông tin.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Vũ Nguyễn Diễm Thi - Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết: Saigon Co.op đã chuẩn bị nguồn hàng Tết với mức tăng dự kiến từ 10-30% tuỳ ngành hàng.

“Để phục vụ công nhân, người lao động mua sắm Tết thuận tiện, Saigon Co.op dự kiến tổ chức hàng nghìn chuyến bán hàng lưu động phục vụ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng sâu vùng xa, các huyện đảo... trên cả nước” - bà Thi nói.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn thành phố khoảng 39.000 tỉ đồng, tổng giá trị hàng Tết đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng 10,33 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội.

Hiện nay, kênh bán hàng truyền thống trên địa bàn thủ đô gồm 28 hệ thống trung tâm thương mại; 123 hệ thống siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) - cũng cho hay, hàng hóa phục vụ Tết 2022 chủ yếu tập trung vào 13 mặt hàng thiết yếu, DN thực hiện chương trình bình ổn giá để người dân yên tâm mua sắm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM - bà Phan Thị Thắng - cũng cho hay, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, mặc dù đã cơ bản kiểm soát...

 Hiện tại, các DN, hệ thống phân phối đang tập trung tăng tốc sản xuất, kích hoạt ngay từ bây giờ phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 và kết nối chuỗi cung ứng bị đứt gãy đối với các tỉnh, thành phố khác.

Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã chủ động làm việc với các DN, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn để nắm tình hình, kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Sở cũng kêu gọi các DN tham gia bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ tháng 12.2021 đến 3.2022 để hỗ trợ người dân mua sắm Tết. Hiện nay, về cơ bản nguồn hàng phục vụ Tết đã dự trữ đầy đủ.

Đảm bảo an toàn phòng dịch, coi sức khỏe người dân là cao nhất

Dự kiến hoạt động mua sắm cuối năm sẽ thu hút đông khách, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nên các siêu thị, trung tâm thương mại đã có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về nhân lực, phương thức kinh doanh với phương châm ưu tiên đặt an toàn, sức khỏe của nhân viên và khách hàng lên trên hết. Trong đó, đẩy mạnh các kênh bán hàng đa phương tiện: Bán hàng qua website, hotline, App… Riêng TP.Hà Nội thực hiện với khoảng 35 DN và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng: 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động… Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ động hướng dẫn các DN vừa bảo đảm phân phối hàng hóa, vừa bảo đảm phòng chống dịch.

Ông Trần Trọng Lưu - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Đắk Lắk) - cho biết, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, sở mở rộng các phương thức kinh doanh và hình thức thanh toán, giao hàng tận nhà để tạo thuận tiện cho khách hàng, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

* Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT đề nghị thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; tập trung chỉ đạo cục quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

* Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của nhiều bộ phận người dân nhìn chung đều giảm, vì vậy dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.  

* Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội: Người dân Việt Nam đón Tết Nhâm Dần trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và vất vả khi cả nước phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Kinh nghiệm khi dịch bùng phát lớn nhất là ở TPHCM và một số thành phố phía Nam, nhiều chợ, siêu thị kể cả chợ đầu mối cũng tạm đóng cửa. Khi đó, sức ép phục vụ dồn về hầu hết siêu thị còn đang hoạt động... Vấn đề này cần đặt ra trong dịp Tết sắp tới.

* Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Các đơn vị cần tiếp tục phát huy vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, chủ động nghiên cứu, tiếp cận các mô hình, xu hướng phát triển mới như chuyển đổi số để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp, thích ứng diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

Xem thêm: odl.672679-tet-mas-nad-iougn-uv-cuhp-hcid-gnohp-naot-na-gnah-nougn-gnod-uhc/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chủ động nguồn hàng, an toàn phòng dịch phục vụ người dân sắm Tết”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools