Thầy Bùi Thái Nam và học trò của mình - Ảnh: H.TH
Từ khu cách ly kết nối với lớp học, Phạm Phương Quỳnh (học sinh lớp 10A5) chia sẻ luôn được thầy giáo hỏi han, quan tâm nên dù đang thực hiện cách ly nhưng bạn không trễ nải việc học mà tích cực phát biểu xây dựng bài chẳng khác gì không khí trên lớp học.
Đi đâu cũng có học sinh của mình, đó là điều vui nhất của nghề giáo.
Thầy giáo Bùi Thái Nam
Để không thua COVID-19!
"Nếu chỗ nào chúng mình không hiểu là thầy Nam giảng lại ngay. Thầy giảng bài chậm rãi, dễ hiểu, đôi lúc thầy còn chia sẻ thêm câu chuyện vui, truyền đạt kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy" - Quỳnh bộc bạch.
Khi nhiều học sinh phải thuộc diện cách ly, phong tỏa, thầy Nam cùng đồng nghiệp nhanh chóng cập nhật các phần mềm như Google Classroom, Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams để kịp thích ứng với việc giảng dạy trực tuyến.
"Nhiều em ở khu vực phong tỏa, khu cách ly rất sợ bị mắc bệnh, đặc biệt các em thuộc diện F1 không có tâm trí học. Nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến vì các em không quen với phương pháp này, nếu giáo viên không sát sao thì dẫn đến tình trạng trò ngủ quên, hoặc mở những nội dung khác xem mà không tập trung vào học. Đặc biệt với học sinh học lực trung bình, học lực yếu thì việc học trực tuyến càng khó khăn, nếu bỏ bẵng thì coi như bằng 0 hết" - thầy Nam chia sẻ.
Thầy thay đổi phương pháp giảng dạy, thiết kế bài giảng phù hợp với việc học trực tuyến. Thầy Nam tâm tình "mỗi tiết học là một nghệ thuật", không thể vì mải miết dạy trực tiếp mà quên học sinh đang học trực tuyến, thay vào đó phải ưu tiên, quan tâm nhiều hơn đối với nhóm học sinh này.
"Nếu chỉ bê nguyên xi như dạy học trực tiếp thì chẳng khác gì ru ngủ các em, do đó phải lồng ghép, vừa dạy vừa có những hoạt động, trò chơi, trắc nghiệm để các em đều tham gia. Riêng học sinh học lực yếu, trung bình phải chia nhóm để phụ đạo, kèm riêng. Dạy gấp đôi thì mới không thua COVID-19", thầy giãi bày.
Chia sẻ với đồng nghiệp
Mỗi tháng thầy Nam tổ chức sinh hoạt nhóm chuyên môn 2 lần. Trong bối cảnh dịch bệnh, thầy chủ yếu tập trung vào công tác tập huấn cho đồng nghiệp về ứng dụng công nghệ, giúp thầy cô có thể tự tin đứng lớp một cách tốt nhất.
Ban đầu thầy hướng dẫn cho đồng nghiệp biết sử dụng phần mềm, sau đó tập huấn về các chức năng và ứng dụng phần mềm trong việc giảng dạy trực tuyến. Vấp chỗ nào khó giải quyết, khó nhớ, thầy Nam lên ý tưởng quay lại video để các thầy cô có thể xem lại khi cần thiết.
"Đến nay sau 1 năm nâng cao trình độ, các thầy cô trong tổ toán - tin của trường đều có kênh YouTube riêng, mỗi thầy cô đều áp dụng phương pháp giảng dạy trực tuyến rất hiệu quả" - thầy Nam chia sẻ.
Ra trường, thầy Nam có 5 năm gắn bó với công tác giảng dạy ở huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang), sau đó được phân công về Trường THPT Tân Yên số 1. Suốt 15 năm qua thầy luôn xung phong đi đầu đảm nhiệm các việc khó.
"Càng khó khăn mình càng thích, nhờ đó thể hiện được năng lực của mình. Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, mình phải vượt qua khó khăn mới có được vinh dự" - thầy Nam quả quyết.
Thầy Phạm Hùng Cường, hiệu trưởng Trường THPT Tân Yên số 1, cho biết hiện toàn trường có hơn 1.600 học sinh, trong đó khoảng 300 em đang phải áp dụng việc học trực tuyến. Trường đã bố trí các phòng học trực tuyến, ở trên lớp thầy cô vẫn giảng dạy trực tiếp, từ phòng học sẽ truyền hình ảnh và âm thanh về cho các em học sinh học trực tuyến ở nhà. Hiện thầy Nam là một trong những giáo viên của trường tích cực tham gia công tác giảng dạy trực tuyến.
"Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, giảng dạy bộ môn toán, thầy Nam luôn nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp, tin yêu của học sinh và phụ huynh. Khi dịch bệnh xảy ra, thầy là người đầu tiên triển khai hoạt động giảng dạy trực tuyến cho các em học sinh dù ở thời điểm đó đang dạy trực tiếp. Bất cứ khi nào thầy cũng luôn trong tư thế sẵn sàng để khi chuyển trạng thái trực tuyến là có thể áp dụng được ngay" - thầy Cường nói.
Thầy Bùi Thái Nam đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, giấy khen của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, thầy là một trong 50 thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.
TTO - Từ năm học 2017-2018, Trường THPT Ngô Quyền, đảo Phú Quý đã đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu ngoại khóa.
Xem thêm: mth.85655040212111202-tauht-ehgn-tom-al-coh-teit-iom/nv.ertiout