Sự đứt gãy chuỗi cung ứng từ châu Á đang khiến nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ chuyển hướng, tìm kiếm những nguồn hàng mới, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này mới đây đã công bố số liệu xuất khẩu tăng trưởng kỷ lục trong tháng 10.
Nhu cầu xuất cảng tăng vọt khiến mặt hàng bao bì, vỏ hộp trở nên khan hiếm. Tại Mersin, thành phố cảng lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, các cơ sở sản xuất bao bì, vỏ hộp được đẩy hết công suất. Giai đoạn sản xuất đình trệ vì đại dịch đang lùi xa vào ký ức nhanh hơn những gì nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ có thể nghĩ tới.
"Cách đây mấy tháng, chúng tôi phải cắt giảm 40% dây chuyền sản xuất vì đại dịch và các lệnh phong tỏa, nhưng nay phải làm quá 100% công suất. Nhiều đơn hàng mới đến. Công ty hiện dành tới 80% cho các đơn hàng xuất khẩu. Cung ứng thị trường trong nước chỉ 20%", ông Fatih Ayhan, Công ty Kilic Balik, Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ, chia sẻ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang có một lực lượng lao động dồi dào. (Ảnh minh họa - Ảnh: Daily Sabah)
Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 10 đạt mức tăng cao nhất mọi thời đại. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 cũng tăng gần 120% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Hàng hóa cồng kềnh, tăng trưởng càng cao; như thép, kim ngạch xuất khẩu đã tăng gấp đôi.
"Chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn khiến Thổ Nhĩ Kỳ bỗng có một lợi thế đáng kể so với châu Á. Như đồ nội thất, Trung Quốc từng giữ vị trí độc tôn trên thị trường châu Âu. Nhưng khi cước vận chuyển tăng cao, tính cạnh tranh của hàng Trung Quốc bị giảm đi đáng kể. Thổ Nhĩ Kỳ, ở sát châu Âu, đang nổi lên để chiếm lĩnh thị trường", ông Ali Tezolmez, doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở cửa ngõ 3 châu lục Á, Âu, Phi. Trước đây, chi phí lao động không thể cạnh tranh được với nhiều trung tâm sản xuất tại châu Á. Tuy nhiên hiện nay, không chỉ giá vận chuyển hàng hóa từ châu Á tăng cao, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang mất giá đáng kể, hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ mang một sức cạnh tranh hoàn toàn khác.
"Nếu nhìn vào châu Âu, nhiều quốc gia đang tìm kiếm những nguồn nhập khẩu mới từ Đông Âu, vùng Baltic hay Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ khiến các trung tâm sản xuất của châu Á phải đánh giá lại lợi thế cạnh tranh của mình. Chẳng hạn phải chú ý hơn vào yếu tố chất lượng sản phẩm; làm sao để sản xuất lớn, giao hàng nhanh; bên cạnh đó là yếu tố giá cả, khi đó mới tạo được sức hấp dẫn", ông David Mackenzie, Tập đoàn Mackenzie Jones Middle East, nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ đang có một lực lượng lao động dồi dào, nay lại tận dụng được những cơ hội từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng từ châu Á. Vì vậy, nước này đang muốn đẩy nhanh khôi phục vị thế là một trung tâm sản xuất của thế giới. Mục tiêu này không dễ đạt được, nhưng ít nhất nó cũng đang mang đến sự thuận lợi không ngờ tới cho sự phục hồi kinh tế sau quá trình phong tỏa vì đại dịch.
VTV.vn - Các nước Đông Nam Á đang chạy đua để khôi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng sau nhiều tháng nhà máy ngừng hoạt động và cắt giảm sản xuất do dịch COVID-19,
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!