Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư 16/2021/TTNHNN quy định các hoạt động được phép đối với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các ngân hàng và sẽ có hiệu lực vào ngày 15/1/2022.
Trong đó quy định các ngân hàng không được mua TPDN với mục đích để tái cơ cấu nợ, góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác hoặc tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành. Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy định mới tác động không đáng kể do trước đây các ngân hàng cũng không tham gia vào các hoạt động này.
Đối với quy định, các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng, VCSC cho rằng các ngân hàng trước đây kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng cách bán TPDN vào cuối năm và sau đó mua lại vào năm mới; tuy nhiên, hành vi này hiện đã bị cấm bởi quy định trước đó.
Với quy định các ngân hàng không được chuyển nhượng TPDN cho các công ty con của họ, VCSC lấy ví dụ tại Techcombank – ngân hàng dẫn đầu về mảng kinh doanh trái phiếu - điều khoản này hiện không cho phép Techcombank chuyển nhượng TPDN cho công ty con TCBS. Tuy nhiên, Techcombank cho biết trước đây biết số lượng này là rất nhỏ và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngân hàng.
Nhóm phân tích cũng lưu ý rằng Thông tư 16 không có tác động đến quỹ thị trường tiền tệ của TCBS vì vai trò của TCBS là nhà quản lý quỹ chứ không phải chủ sở hữu.
Nhìn chung, VCSC đánh giá Thông tư 16 sẽ có tác động làm giảm lượng giao dịch TPDN trên thị trường liên ngân hàng.
Được biết, quy định mới của NHNN được ban hành trong bối cảnh thị trường trái phiếu liên tục tăng trưởng nóng trong thời gian gần đây.
Theo số liệu của FiinGroup, quy mô giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp trong 9 tháng 2021 đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước mặc dù có giai đoạn trì hoãn lại sau khi Nghị định 153 và 155 đi vào hiệu lực. Trong đó, các ngân hàng vẫn duy trì là nhóm nhà đầu tư mua trái phiếu chính trong 9 tháng đầu năm với 56% tổng giá trị phát hành.
Quốc Thụy
Trí thức trẻ