Mọi người đều đang muốn trở thành Shein: Nhà bán lẻ thời trang nhanh của Trung Quốc, trị giá 15 tỷ USD, đã thành công trong việc khai thác đối tượng khách hàng là Gen Z ở thị trường nước ngoài bằng cách tung ra các trang phục hợp mốt với giá cực rẻ.
Shein được coi là một mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới thành công sau khi vượt qua Zara và H&M để trở thành nhà bán lẻ thời trang nhanh bán chạy nhất ở Mỹ vào đầu năm nay. Và giờ, những kẻ bắt chước Shein đã xuất hiện.
Tờ Sixth Tone cho biết, họ đã tìm ra ít nhất 10 công ty thời trang nhanh của Trung Quốc theo đuổi người tiêu dùng toàn cầu một cách tương tự, bao gồm Cider, Urbanic, ChicV, Doublefs, Cupshe, JollyChic. 5 công ty trong số đó được thành lập từ đầu năm 2019 và 3 công ty thành lập từ đầu năm nay.
Những thương hiệu này chủ yếu hướng người mua sắm trẻ, đặc biệt là Gen Z ở nước ngoài đến các trang web thương mại điện tử của họ thông qua quảng cáo trên Instagram. Họ thuê nhiều KOL để đăng video trên YouTube và TikTok về việc mua sắm hàng chục sản phẩm của thương hiệu.
Cider đã thuê nhiều KOL để quảng cáo sản phẩm trên YouTube và TikTok (Ảnh: Internet).
Nhờ phương pháp này, Zaful, một thương hiệu đồ bơi của Trung Quốc hiện có hơn 5 triệu người theo dõi trên tài khoản Instagram chính thức và vài nghìn người theo dõi trên mỗi tài khoản dành riêng cho từng quốc gia, bao gồm Nga và Úc.
Theo một báo cáo của Deloitte, Shein và "những kẻ bắt chước" sẽ bán lượng hàng may mặc trị giá từ 150 đến 200 tỷ nhân dân tệ (23,5 đến 31,4 tỷ USD) vào năm nay. "Shein chiếm thị phần lớn nhất với doanh số lên tới 100 tỷ nhân dân tệ, các công ty ở cấp độ thứ hai có quy mô khoảng 1 đến 5 tỷ nhân dân tệ và bên dưới là rất nhiều công ty có doanh số dưới 1 tỷ nhân dân tệ", một trong những tác giả của báo cáo cho biết.
Phần lớn những "kẻ bắt chước Shein" đều tự tin về giá cả rất hợp lý, sản phẩm hợp mốt và đều dựa vào KOL trên mạng xã hội để làm marketing. Những công ty này đã thu hút ít nhất 300 triệu USD đầu tư trong năm nay.
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng đã nhảy vào cuộc đua. Alibaba bắt đầu bán quần áo nữ thông qua một trang web độc lập có tên là allyLikes cho Vương quốc Anh, Châu Âu, Mỹ và Canada vào tháng 6. Các sản phẩm được quảng cáo với mức giá thấp, từ "9,99 USD trở xuống".
Hay chủ sở hữu TikTok, Bytedance đã đầu tư một khoản tiền không được tiết lộ vào công ty khởi nghiệp thời trang nhanh Infinite Waves vào tháng 6 vừa qua.
Học theo mô hình của Shein, "kẻ bắt chước" có thể hoàn thiện từ thiết kế quần áo đến giao hàng chỉ trong 7 ngày.
Càng ngày càng có nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển từ thương mại bán buôn sang bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Trong nửa đầu năm nay, khối lượng giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 khối lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đạt tổng cộng 600 triệu nhân dân tệ, theo một báo cáo gần đây của tổ chức nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, sản xuất giá rẻ cũng có "cái giá" của nó, đặc biệt là khi hoạt động sản xuất của những công ty này do hàng nghìn nhà xưởng không thực sự đảm bảo chất lượng ở khắp Trung Quốc đảm nhiệm.
Đầu năm nay, một cuộc điều tra của Sixth Tone đã phát hiện ra rằng nhiều sản phẩm của Shein được sản xuất tại các nhà máy không đảm bảo an toàn cháy nổ và lao động. Một nhóm hoạt động của Thụy Sĩ gần đây báo cáo rằng công nhân tại một số nhà cung cấp của Shein làm việc tới 75 giờ/tuần trong điều kiện tồi tệ, vi phạm nhiều luật lao động của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Shein trả lời rằng họ đang làm việc với các nhà máy sản xuất để cải thiện điều kiện làm việc. Sau đó, một số nhà máy là đối tác của Shein cho biết họ đã đưa ra một số thay đổi để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, Shein còn khẳng định chiến lược sản xuất mục tiêu của họ là giảm chất thải và cải thiện tính bền vững. Người phát ngôn của Shein nói: "Sử dụng phân tích thời gian thực về xu hướng thời trang, tất cả các sản phẩm của chúng tôi bắt đầu từ những đơn đặt hàng nhỏ từ 100 đến 200 chiếc, trong khi tiêu chuẩn ngành ít nhất là vài nghìn hoặc hàng chục nghìn. Bằng cách đó, chúng tôi ít lãng phí hơn".
Tuy nhiên, các chuyên gia về bền vững cho rằng các công ty thời trang nhanh cần phải làm nhiều việc hơn nữa. Karen Du, người đứng đầu tổ chức thời trang bền vững R.I.S.E có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: "Để trở nên bền vững, họ cần phải đại tu mô hình kinh doanh của mình. Họ cần làm cho tính bền vững trở thành thứ mà tất cả người tiêu dùng đều có thể tham gia một cách dễ dàng và thuận tiện".
Nguồn: Sixth Tone
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị