"Zombie công sở"
Trong thời gian đi làm, có thời điểm nào bạn cảm thấy mình không gắn kết với nơi làm việc, không có động lực để thể hiện hết sức mình. Tuy nhiên thay vì bạn đi tìm một công việc mới lại lựa chọn phương án làm việc cầm chừng chỉ để tồn tại. Nếu cảm nhận này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, rất có thể bạn đang rơi vào tình trạng "zombie công sở", theo cách ví von của các chuyên gia tuyển dụng.
Vật vờ, cầm chừng, không mục tiêu… thực trạng này đang xuất hiện phổ biến ở các bạn trẻ khi làm việc trong môi trường công sở hiện nay. Hầu hết những người này đều có chung biểu hiện.
"Đối với mình mỗi ngày mình thức dậy đều có suy nghĩ là hôm nay liệu mình có tiếp tục đi làm không, có nên tiếp tục làm công việc này hay không hay là thôi mình lại tìm công việc khác nhỉ?", một bạn nam chia sẻ.
"Nhiều khi cũng làm đối phó để cho xong việc và cảm thấy rất mệt mỏi, stress, với gần như em bỏ ăn uống", một bạn nữ bày tỏ.
Không còn đam mê nhưng cũng không chịu nghỉ việc, nhóm người trẻ này đang gián tiếp làm ảnh hưởng tới năng suất lao động của cả công ty. Phần lớn trong số họ là những người chưa có định hướng rõ ràng cho tương lai, không chủ động ra đi và không dám đánh đổi vì còn nhiều "e ngại" như: tuổi tác, tiền bạc, thời gian hay công sức.
"Hiện tại, tình hình dịch vẫn đang diễn biến khá phức tạp nên em vẫn cố gắng bám trụ tại công ty để có khoản thu nhập gọi là ổn định", bạn nữ cho biết thêm.
"Khi em bắt đầu ra trường, mình nộp CV và bắt đầu đi làm thì lúc đó chỉ nghĩ là ra trường mình chọn một công việc ổn định và mình cứ làm thôi, 8 tiếng 1 ngày ổn định như vậy. Như kiểu em đang cố tồn tại", bạn nam chia sẻ thêm.
Theo khảo sát của Anphabe, một trong các đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng, trên 26.000 nhân viên đang làm việc ở các công ty tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thực sự gắn kết với công ty, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Những người này đi làm nhưng không có động lực trong công việc, hay có thể gọi họ là những "zombie công sở".
Để tránh rơi vào trạng thái này, nhiều bạn trẻ đã tự tạo cho bản thân những kỳ nghỉ ngắn hạn sau khi trải qua áp lực vô hình tại nơi làm việc.
"Sau một khoảng thời gian rất dài mình làm việc tại đó, mình cảm thấy ngày hôm nay mình phải đi làm chứ không phải là được đi làm nữa. Mình cũng muốn có một khoảng thời gian nhỏ nghỉ ở nhà, chẳng hạn mình làm những điều mình thích để có lại sự cân bằng cho bản thân giống như mọi người hay nói để "sạc pin" lại chính mình.
Khi có khoảng thời gian đấy, mình cảm thấy có nhiều năng lượng hơn và sẵn sàng hơn cho những dự án sắp tới, những thử thách sắp tới trong công việc của mình", chị Lê Thị Diệu Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay.
Mạo hiểm để thay đổi?
Từ bỏ công việc cố định trên thành phố, trở về quê sinh sống là quyết định bất ngờ và mạo hiểm nhất của vợ chồng anh Dư.
Đáng nói, theo các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, tình trạng "zombie công sở" đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong mùa dịch. Bởi không ít bạn trẻ đang lo ngại trước sự bất ổn mà đại dịch COVID-19 gây ra. Dù chán nản, nhưng nhiều người, thay vì nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội mới phù hợp hơn, lại vẫn bám trụ để có sự ổn định. Nhiều bạn trẻ lựa chọn một xu hướng khác để thoát khỏi hiện tượng đó, đó là thay đổi công việc, bất chấp giữa tình hình dịch bệnh, giữ cho mình một nguồn thu nhập đã vô cùng khó.
"Mình tên là Phạm Xuân Dư, trước mình có sinh hoạt ở trên thành phố. Sau đó do dịch bệnh, gia đình mình chuyển về đây sống với ông bà nội ở dưới Thanh Trì. Đây là một quyết định rất mạo hiểm. Vì nếu mình không thực hiện nó thành công thì mình phải bắt đầu lại từ đầu", anh Phạm Xuân Dư, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nói.
Từ bỏ công việc cố định trên thành phố, trở về quê sinh sống là quyết định bất ngờ và mạo hiểm nhất của vợ chồng anh Dư từ trước đến nay. Dịch bệnh khiến nhiều người trong đó có anh, nhận ra mình cần một thử thách hoặc bước nhảy mới, tìm kiếm mọi khoảnh khắc, mang lại niềm vui, được sống bên gia đình, sáng lập một kênh YouTube mà vợ con mình là nhân vật chính. Những điều này sẽ không thể nào xảy đến nếu anh vẫn ở lại với công việc trước đó.
"Ngày trước mình không hề cảm nhận được điều đó, nhưng khi về, được sát cánh bên nhau, mình hiểu hơn về vợ, gần gũi con cái, được nhìn con lớn lên từng ngày. Đó là điều quý giá nhất mình nhận được khi làm kênh này", anh Phạm Xuân Dư chia sẻ.
"Trong khoảng thời gian dịch bệnh như thế này, ai cũng sẽ lựa chọn con đường an toàn để đi. Việc thay đổi như vợ chồng mình cũng thể coi là quyết định mạo hiểm. Rau mình trồng được, gà mình nuôi được, tinh thần thoải mái hơn. Sau một thời gian, mình nhận thấy những giá trị tích cực mà cuộc sống mới đem lại nên mình chưa bao giờ thấy hối hận", chị Phạm Thị Hậu, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cho biết.
Có những điều trước đây không có trong kế hoạch 1 năm hay 2 năm, nhưng dịch COVID- 9 ập đến khiến nhiều người nhận ra mình không muốn trì hoãn việc theo đuổi ước mơ. Từ một công việc kinh doanh nhà hàng đã gắn bó nhiều năm, một cô gái đã quyết định chuyển nghề, theo đuổi ước mơ làm hàng không dù đầy rủi ro trong mùa dịch
"Có lúc em đi làm em cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Sau buổi làm hôm đó, em tự hỏi tại sao mình lại như thế. Với niềm yêu máy bay thì em vẫn quyết định thi vào ngành hàng không và đối diện với nhiều khó khăn. Nhưng mình chỉ sống một lần trên đời nên mình nên hết mình với thứ mình muốn và làm việc hết mình với nó", bạn nữ chia sẻ.
Đại dịch giống như phép thử sức chịu đựng của mỗi người. Dịch bệnh đã thay đổi các ưu tiên của họ và họ nhận ra rằng mình không cần thiết phải sống như thế mãi.
Khi có những bạn trẻ sẵn sàng nghỉ việc để tìm kiếm những môi trường phát triển thực sự phù hợp với bản thân, nhưng có những bạn trẻ lại rơi vào chiếc bẫy của sự "ổn định" để làm việc một cách cầm chừng. Rõ ràng, việc có những thay đổi để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, xây dựng và duy trì một đội ngũ nhân sự chất lượng thực sự là một bài toàn khó hơn đặt ra cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Bài toán nhân sự?
Là một đơn vị chuyên đào tạo về tiếng Đức, 2 năm trở lại đây, phần lớn hoạt động của Công ty TNHH DWN Việt Nam đều phải điều chỉnh linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bởi vậy, dù có nhu cầu tuyển dụng một số vị trí đã nhiều tháng nay nhưng việc tìm được các ứng viên phù hợp không dễ dàng.
"Một số ứng viên ở tỉnh xa, hoặc ở các vùng khó di chuyển nên hầu hết các buổi phỏng vấn chúng tôi đều tiến hành online. Nhiều khi việc nắm bắt tâm lý, đánh giá kỹ năng mềm khác của ứng viên mình khó cảm nhận được", bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH DWN Việt Nam, cho biết.
Tuyển dụng nhân sự đã khó, việc giữ chân nhân sự chất lượng cũng không dễ dàng. 7 năm tham gia thị trường lao động, chị Bảo Ngọc (Phòng đào tạo Công ty TNHH DWN Việt Nam) cũng đã nhiều lần thay đổi chỗ làm với mong muốn tìm được môi trường phù hợp.
"Từ lúc ra trường đến nay thì tôi cũng đã làm ở 4 - 5 đơn vị. Hiện tôi vẫn thấy môi trường làm việc ở công ty khá chuyên nghiệp. Dù dịch bệnh nhưng mức lương cũng vẫn ổn định. Ngoài ra, tôi vẫn tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao chuyên môn", chị Tô Bảo Ngọc, Phòng đào tạo Công ty TNHH DWN Việt Nam, chia sẻ.
Bên cạnh việc xây dựng những cơ chế giữ chân nhân sự chất lượng bằng chế độ lương thưởng tốt, doanh nghiệp cũng cần có thêm nhiều hoạt động gắn kết.
Còn tại công ty chị Nga (TP Hà Nội) đang làm việc, nhiều vị trí công việc trong mảng bán hàng đã được chuyển hẳn sang hình thức làm online. Để thu hút cũng như duy trì đội ngũ nhân sự, doanh nghiệp đã chủ động linh hoạt, xây dựng, phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến.
"Mình thấy bán hàng online cũng có thu nhập ổn định, mình có thời gian chăm sóc con cái", chị Vũ Thị Nga cho hay.
"Chúng tôi nghĩ rằng đây là xu hướng tất yếu cho đại dịch, vì mọi người có xu hướng dành thời gian cho bản thân nhiều hơn. Việc kinh doanh online giúp họ có nhiều thời gian để xây dựng mục tiêu cho chính bản thân mình", anh Nguyễn Nguyên Tín, Đại diện Công ty TNHH Selly, nhận định.
Theo các chuyên gia tuyển dụng, phần lớn người lao động có xu hướng nhảy việc để hưởng nhiều lợi ích hơn. Bên cạnh việc xây dựng những cơ chế giữ chân nhân sự chất lượng bằng chế độ lương thưởng tốt, môi trường văn hóa doanh nghiệp phù hợp cùng với lộ trình phát triển của người lao động, doanh nghiệp cũng cần có thêm nhiều hoạt động gắn kết.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, sự gắn kết trong doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một đội ngũ nhân sự mạnh. Điều này không chỉ là điểm thu hút người có năng lực, mà còn kịp thời khích lệ tinh thần khi tâm lý người lao động có sự bất ổn.
VTV.vn - Giải quyết việc làm, sinh kế khi người lao động đã trở về quê đang là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương, bên cạnh các gói an sinh hỗ trợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.12631631122111202-iod-yaht-meih-oam-yah-os-gnoc-eibmoz-hnid-no-yab-ceihc/et-hnik/nv.vtv