Chủ tịch nước đến thăm Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga - Ảnh: TUẤN HUY
Ngày 22-11 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm, làm việc tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Cùng dự có đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Bezdetko Gennady Stepanovich.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả, thành tích xuất sắc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đạt được trong 33 năm qua.
Chủ tịch nước nhấn mạnh trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các cán bộ khoa học của trung tâm đã nghiên cứu, xây dựng thành công quy trình xét nghiệm SARS-CoV-2 và được Bộ Y tế công nhận.
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, nhân viên của trung tâm cùng với các trang thiết bị hiện đại do Liên bang Nga tài trợ đã có mặt kịp thời tại các điểm nóng của cả nước thực hiện các nhiệm vụ y tế, tham gia xét nghiệm cho hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần cùng cả nước kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Chủ tịch nước khẳng định những kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã đóng góp quan trọng vào phát triển khoa học, công nghệ nói chung, khoa học, công nghệ, kỹ thuật quân sự nói riêng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đáp ứng lợi ích của cả Việt Nam và Liên bang Nga.
Thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu trung tâm tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối đối ngoại và phát triển khoa học - công nghệ của Đảng, Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Phối hợp về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, thích ứng và chuyển giao công nghệ phục vụ các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao; các lĩnh vực trung tâm có thế mạnh, tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu tổng hợp sinh thái, trang bị kỹ thuật; nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới, các thách thức an ninh phi truyền thống…
Chủ tịch nước cũng đề nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật của trung tâm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ trong giai đoạn mới; tăng cường hợp tác nghiên cứu, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ, phát huy lợi thế hợp tác trực tiếp và cầu nối giữa các đơn vị, tổ chức khoa học - công nghệ và sản xuất của Việt Nam, Nga và các nước khác; mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ nhiệt đới.
TTO - Trong số 12 sĩ quan nhận quyết định gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, có 2 vị trí mới là sĩ quan tình báo và sĩ quan truyền thông, lần đầu tiên được Liên Hiệp Quốc mời tham gia và triển khai.