vĐồng tin tức tài chính 365

Thách thức cho nông sản Việt khi vươn ra "biển lớn"

2021-11-23 03:09

Những cảnh báo về nông sản, thủy sản nhập vào châu Âu

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang tham gia đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do. Nhờ đó đã góp phần tháo dỡ nhiều rào cản thương mại mở ra nhiều thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường luôn kèm theo yêu cầu phải thực hiện các cam kết về kiểm dịch động, thực vật với mức độ cam kết cao nhất từ trước tới nay. Phần lớn nông sản của Việt Nam vẫn tuân thủ các quy định đặt ra.

Nhưng hiện vẫn có một bộ phận doanh nghiệp, người sản xuất chưa chú trọng đúng mức nên thường vướng phải các cảnh báo vi phạm các tiêu chuẩn an toàn chất lượng, có trường hợp bị trả lại hàng hóa, làm ảnh hưởng uy tín nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Mới đây, một số nước thành viên EU đã lên tiếng cảnh báo về nông sản, thủy sản xuất khẩu vào khối này có dư lượng hóa chất vượt quá mức quy định trong những đợt kiểm tra đột xuất.

Giữa tháng 10, Vinamex Group đã chủ động đăng thông báo thu hồi 1 lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ. Kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu khách hàng không tiêu thụ lô sản phẩm này và chuyển về kho để được hoàn tiền.

Cũng trong tháng 10, Việt Nam liên tiếp nhận được các cảnh báo từ Cơ quan y tế Hà Lan, Italy và Tây Ban Nha về việc phát hiện các hóa chất cấm trong mướp đắng, hải sản, động vật giáp xác.

Gần đây nhất Cơ quan y tế Na Uy và Pháp phát hiện các chất không cho phép trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và bưởi nhập khẩu từ Việt Nam.

Quy định mới về kiểm tra thực phẩm nhập khẩu vào châu Âu

Những vụ việc trên là các vụ việc đơn lẻ bị kiểm tra đột xuất, còn vấn đề sẽ trở nên nặng nề hơn nếu một mặt hàng nông sản của Việt Nam bị liệt vào danh sách đen kiểm tra thường xuyên. Ủy ban châu Âu vừa ban hành những quy định liên quan tới kiểm soát thực phẩm nhập khẩu vào EU có hiệu lực kể từ ngày mai (23/11).

Tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với rau mùi ta, rau mùi tây, húng quế, bạc hà, đậu bắp và hạt tiêu tươi nhập khẩu từ Việt Nam là 50%, có thể hiểu là khoảng hai lô hàng sẽ có một lô bị dỡ ra xét nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu. Với thanh long từ Việt Nam, tần suất thấp hơn 10%.

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ cho hay: "EU đưa ra quy định đối với những hàng lần đầu tiên xâm nhập thị trường EU sẽ được kiểm soát với một tần suất nhất định. Nếu như hàng đó đáp ứng được những tần suất sẽ không bị kiểm soát những lần tiếp theo. Trường hợp thứ hai đó là những hàng hóa đã vào thị trường EU, tuy nhiên là bị vướng vào các kiểm dịch, các phát hiện về an toàn thực phẩm sẽ bị nâng dần tỷ trọng kiểm soát ở cảng".

Thách thức cho nông sản Việt khi vươn ra biển lớn - Ảnh 1.

Ủy ban châu Âu vừa ban hành những quy định liên quan tới kiểm soát thực phẩm nhập khẩu vào EU có hiệu lực kể từ ngày mai (23/11). (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tất cả các loại rau quả có trong danh sách tần suất kiểm tra cao đều là đồ tươi sống, dễ thối hỏng, phải giữ mát liên tục.

"Hàng tươi sống bao giờ cũng đi liền là ngon, sạch, tươi. Nếu như hàng bị lưu cảng một vài ngày, chưa kể là kết quả kiểm tra như thế nào cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, chi phí phải lưu bãi là phải lưu kho lạnh chi phí tương đối lớn", ông Trần Ngọc Quân nói.

Danh sách của Ủy ban châu Âu được xem xét lại sau mỗi 6 tháng. Đây không phải lần đầu tiên rau quả Việt Nam có trong danh sách bắt buộc phải kiểm tra với tần suất cao. So với danh sách mà Ủy ban châu Âu ban hành cách đây 2 năm, tình hình vẫn y nguyên, vẫn những nông sản đó, tần suất phải dỡ hàng ra kiểm tra vẫn cao như thế, không cải thiện thêm được chút nào.

"Nếu tần suất tái đi tái lại và có nâng tần suất kiểm tra lên thì nhà nhập khẩu cảm thấy rất rủi ro khi nhập khẩu các loại rau, củ, quả tươi từ Việt Nam. Vì vậy, họ hoàn toàn có thể là chuyển nguồn cung sang nhập khẩu tại các nước khác. Thực sự là 10%, 20% cũng đã là cao và nhà nhập khẩu cũng đã thấy khó. Họ có thể tìm nguồn cung khác, nhập khẩu từ những nước khác không có kiểm tra mức tần suất cao vì không phải chỉ mỗi Việt Nam cung cấp được rau củ quả đó", bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho hay.

Thị trường châu Âu áp đặt những quy định ngặt nghèo nhất thế giới về dư lượng hoá chất trong thực phẩm. Khi nào nông sản còn bị liệt kê trong danh sách phải tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng đó từ Việt Nam phải chịu mất thêm thời gian thông quan cho tới khi tình hình được cải thiện và mặt hàng đó không còn trong danh sách đen.

Chất lượng là tiền đề để giữ thị trường châu Âu

Có 2 nguyên nhân được nhìn nhận về lí do các lô hàng Việt Nam bị cảnh báo. Về phía chủ quan, đâu đó vẫn còn tâm lí ăn sổi của một bộ phận nông dân và doanh nghiệp. Còn về mặt khách quan, không ít trường hợp là người sản xuất không biết trong phân bón, hay thuốc bảo vệ thực vật mình dùng có chứa các chất châu Âu không cho phép hay không. Vì chủ yếu phân bón và thuốc thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam vẫn là nhập khẩu, việc quản lý được chất lượng hay thành phần cũng chưa triệt để, nên bà con nông dân cũng có khi vô tình sử dụng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Nhưng qua những vụ việc này một lần nữa cho thấy cái tâm trong sản xuất kinh doanh, giữ chữ tín, giữ chất lượng lên hàng đầu vẫn là chìa khóa để mở và giữ cánh cửa đưa nông sản Việt đến với châu Âu.

Thách thức cho nông sản Việt khi vươn ra biển lớn - Ảnh 2.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một công ty. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Con tôm của Việt Nam là một trong những mặt hàng đang tận dụng tốt EVFTA. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 10 năm nay tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do chi phí vận chuyển tăng đột biến nên hiện giá tôm của Việt Nam đang cao hơn Ecuador và Ấn Độ. Do vậy tư duy cạnh tranh về giá là chưa đủ mà vẫn phải đi từ chất lượng.

Trong và sau đại dịch SARS-CoV-2, 3 biến đổi lớn đang tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp và nông dân Việt Nam là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng. Trong đó, vấn đề vượt qua rào cản kỹ thuật để thâm nhập các thị trường là rất quan trọng. Nông sản Việt vẫn đang chưa theo kịp với xu hướng tiêu dùng xanh – một khái niệm đang rất thịnh hành trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Các hiệp định thương mại tự do là bước đệm cho nông sản Việt đi xa nhưng không phải là "cánh cửa thần kì" giúp chúng ta có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trên các mặt trận xuất khẩu, mà sức mạnh nằm ở chính chất lượng và nội lực của nông sản Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ nông sản trên thế giới đang gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, vận chuyển thuận lợi hơn, tạo cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam bứt phá, đây cũng là thời điểm tăng tốc xuất khẩu.

Vấn đề còn lại là ý thức quyết tâm xây dựng thương hiệu của cả người sản xuất và doanh nghiệp bởi uy tín không phải là câu chuyện có giá trị trong ngày 1 ngày 2, mà nó là có tầm ảnh hưởng dài lâu đến hình ảnh của mỗi quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.17891229122111202-nol-neib-ar-nouv-ihk-teiv-nas-gnon-ohc-cuht-hcaht/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thách thức cho nông sản Việt khi vươn ra "biển lớn"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools