vĐồng tin tức tài chính 365

Tài phá án của 'ông tổ' ngành pháp y Trung Quốc

2021-11-23 03:10

Tống Từ (1186-1249), quê Kiến Dương (nay thuộc Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến), là nhà pháp y học nổi tiếng thời Nam Tống, được biết đến là người đặt nền móng cho ngành pháp y thế giới.

Trong hơn 20 năm chốn quan trường, Tống Từ từng bốn lần làm quan đề hình - tương đương với quan tòa và kiểm sát viên cấp tỉnh thời nay. Ông được ca ngợi là vị quan thanh liêm, chính trực và có tài phá án hiếm có.

Tống Từ tìm đọc, nghiên cứu các tác phẩm y dược nổi tiếng, vận dụng kiến thức về sinh lý, bệnh lý, dược lý, độc dược và cách xem bệnh vào việc kiểm tra thương tích, thi thể trong thực tiễn. Ông mất 10 năm để viết bộ năm cuốn Tẩy oan tập lục năm 1247 - bộ sách chuyên về pháp y học có hệ thống đầu tiên của Trung Quốc.

Nội dung Tẩy oan tập lục phong phú, đề cập chi tiết đến nhiều chủ đề như các loại vết thương, phương pháp khám nghiệm tử thi, cách giải phẫu cơ thể, điều tra hiện trường, giám định nguyên nhân cái chết, các loại độc dược, cách cấp cứu và giải độc...

Hình tượng Tống Từ trong tranh vẽ và trên tem bưu chính của Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Hình tượng Tống Từ trong tranh vẽ và trên tem bưu chính của Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Thời cổ đại, quan phủ phá án đa phần dựa vào khẩu cung, vì thế có không ít án oan do sợ bị đánh mà phải nhận tội. Còn Tống Từ đề cao bằng chứng, chú trọng khám nghiệm, nhất là trong các án tử hình. Theo ông, tử hình là hình phạt nặng nhất được quyết định bởi hành vi phạm tội, mà hành vi phạm tội phải được xác định qua kiểm tra, khám nghiệm. Do đó, kết quả khám nghiệm có thể quyết định sinh tử của một người.

Khi giải quyết án mạng, quan phủ không thể chỉ nghe và tin lời của bên cáo trạng, cũng không thể chỉ dựa vào khẩu cung của 1-2 người, vì lời khai có thể là giả. Chỉ khám nghiệm tử thi mới có thể tìm ra vết thương chí mạng, từ đó tìm ra hung khí để định tội, nếu không sẽ khó kết án.

Một lần, Tống Từ nhận được báo án về vụ cháy nhà khiến một người chết. Khi ông đến hiện trường, vợ của nạn nhân khóc kể kể: Chồng bà thấy không khỏe nên ở nhà nghỉ ngơi, còn bà đi làm đồng. Khi trở về, bà thấy nhà bị thiêu rụi, chồng mất mạng trong đám cháy.

Kiểm tra thi thể, Tống Từ phát hiện không có dấu vết vật lộn, phần lưng tiếp xúc với mặt đất rõ ràng bị cháy nhẹ hơn, trong miệng không có bụi bặm. Ông phán đoán, nạn nhân không phải bị chết cháy mà rất có khả năng bị sát hại rồi phóng hỏa, tạo hiện trường giả. Tiếp tục điều tra, Tống Từ phát hiện vợ của nạn nhân ngoại tình. Khi lộ tẩy hành vi "ăn vụng", bà ta đã cùng nhân tình siết cổ chồng, tạo dựng hiện trường thành vụ cháy.

Một lần khác, Tống Từ đọc được bản án về một nông dân tự sát nhưng không nêu rõ nguyên nhân. Thấy có điểm đáng ngờ, ông quyết định điều tra lại. Cho khai quật quan tài, khám nghiệm tử thi, ông phát hiện vết thương bằng dao ở bụng. Dấu vết cho thấy dao đâm nhẹ, rút ra mạnh.

Theo báo cáo khám nghiệm ban đầu, con dao nằm trong tay người chết nhưng không phải ở trạng thái bị nắm chặt. Từ những nghi vấn này, Tống Từ tiếp tục xét hỏi hàng xóm, bạn bè thân thích của người chết, cuối cùng tra ra vụ án con quan ỷ thế cưỡng bức dân lành, giết người vô tội.

Theo đó, tên công tử nhà quan ham mê nhan sắc của người vợ xinh đẹp của nạn nhân nên bày mưu với quản gia sát hại người chồng, ngụy tạo hiện trường. Sau đó, hắn dùng tiền và mối quan hệ để đút lót quan huyện, biến vụ án giết chồng cướp vợ thành tự sát. Chân tướng bị Tống Từ vạch trần, hung thủ giết người và quan huyện đều bị trừng phạt thích đáng.

Diễn viên Âu Dương Chấn Hoa đóng vai Tống Từ trong bộ phim Tẩy oan lục (Witness to a Prosecution) năm 1999. Ảnh: TVB

Diễn viên Âu Dương Chấn Hoa đóng vai Tống Từ trong bộ phim Tẩy oan lục (Witness to a Prosecution) năm 1999. Ảnh: TVB

Trong Tẩy oan tập lục, nhiều phương pháp khám nghiệm được Tống Từ đúc kết từ thực tiễn phá án, nhưng lại có điểm tương đồng với khoa học hiện đại, đến nay vẫn được sử dụng. Ví dụ như cách kiểm tra hộp sọ để xác định người chết vì đuối nước hay sau khi chết bị vứt xác xuống nước.

Sách ghi: "Dùng nước nóng dội từ đỉnh đầu xuống, nếu trong chậu có bùn cát sẽ chứng minh rằng nạn nhân từng vùng vẫy, hô hấp khi rơi xuống nước, bùn cát đi vào mũi miệng, sau đó bị nước nóng dội xuống đáy chậu. Nếu trong chậu không có bùn cát, thường là sau khi chết mới bị vứt xác xuống nước, bởi nạn nhân đã ngừng thở, bùn cát không đi vào".

Nếu muốn tìm vết thương ở xương cốt của thi thể, Tống Từ sẽ đổ dấm lên nơi cần kiểm tra, mang ra ngoài trời nắng rồi che bằng lụa dầu hay ô giấy dầu, vết thương sẽ hiện lên khi nhìn qua ô dưới ánh nắng. Nếu là ngày âm u, có thể dùng than đốt lửa rồi chiếu qua ô.

Cách dùng ô giấy dầu màu đỏ che thi thể để tìm vết thương ở xương dưới ánh sáng cũng giống với phương pháp chiếu tia hồng ngoại hiện đại, đều vận dụng nguyên lý quang học. Xương không trong suốt, nó phản chiếu ánh sáng mặt trời một cách có chọn lọc. Khi tia sáng xuyên qua ô, một bộ phận tia sáng ảnh hưởng đến mắt sẽ bị hấp thu, giúp ta dễ nhìn ra vết thương hơn.

Tống Từ viết vết thương dù nhỏ cũng không thể xem nhẹ. Nếu trên thi thể có nhiều vết thương, cần chỉ ra đâu là vết thương chí mạng. Nếu trên thi thể có hai vết thương đều có thể gây chết người, nhưng do hai kẻ khác nhau gây nên, vậy một kẻ sẽ phải đền mạng, một kẻ thì không. Trong trường hợp này, quan khám nghiệm cần phải xem xét kỹ lưỡng để định ra vết thương nặng nhất, từ đó xác định thủ phạm chính. Tất cả khả năng đều được Tống Từ suy tính tỉ mỉ, viết rõ vào sách.

Biện pháp "trích huyết nhận thân", dùng máu để kiểm tra quan hệ huyết thống giữa hai người, từng được Tống Từ sử dụng. Sách ghi: "Nếu Giáp là bố hoặc mẹ, đã qua đời, chỉ còn lại xương cốt, Ất nhận mình là con ruột của Giáp, làm sao để xác minh? Có thể trích 1-2 giọt máu từ trên người Ất, nhỏ lên xương cốt, nếu là con ruột thì máu sẽ thấm vào trong xương, không phải thì ngược lại". Biện pháp này bị coi là thiếu khoa học trong thời đại ngày nay, nhưng đã góp phần tạo tiền đề cho việc xét nghiệm huyết thanh học chứng minh quan hệ cha con sau này.

Một điểm hiếm có khác ở Tống Từ là tư tưởng vượt ra khỏi trói buộc của lễ giáo phong kiến. Khi khám nghiệm thi thể phụ nữ, ông yêu cầu không che đậy vùng kín, mang thái độ truy cầu sự thật để kiểm tra tỉ mỉ từng vết tích nhỏ nhất, tìm kiếm dị vật nếu có. Nếu người chết là con gái nhà giàu, quan khám nghiệm còn phải đưa thi thể ra đường lớn, kiểm tra giữa ban ngày để dân chúng đều nhìn thấy, tránh hiềm nghi.

Sau khi Tẩy oan tập lục hoàn thành, hoàng đế Tống Lý Tông rất tán thưởng, hạ lệnh ban hành toàn quốc, yêu cầu các quan xử án hình sự đều phải lấy sách này làm tiêu chuẩn.

Ở ba triều Nguyên, Minh, Thanh, Tẩy oan tập lục là cuốn sách phải đọc của các quan lại hình sự, tư pháp. Sau này, tác phẩm của Tống Từ được dịch thành nhiều thứ tiếng như Nhật, Anh, Pháp, Đức, phát hành tại nhiều quốc gia.

Tượng Tống Từ trong khuôn viên Học viện Cảnh sát hình sự Trung Quốc. Ảnh: 163

Tượng Tống Từ trong khuôn viên Học viện Cảnh sát hình sự Trung Quốc. Ảnh: 163

Tống Từ và Tẩy oan tập lục còn được nhắc đến trong các tác phẩm nghệ thuật ở Trung Quốc. Phim truyền hình Tẩy oan lục (Witness to a Prosecution) của đài TVB Hong Kong, do Âu Dương Chấn Hoa đóng vai Tống Từ, được sản xuất hai phần vào 1999 và 2002.

Các vụ án trong Tẩy oan tập lục được tái hiện trong phim truyền hình Đại Tống đề hình quan, dài 52 tập, phát sóng năm 2005 ở Trung Quốc. Tập 10 mùa một CSI: Las Vegas nhắc đến Tống Từ với danh xưng ông tổ của côn trùng học pháp y.

Tuệ Anh (Theo Xinhua, Chinacourt, Baike)

Xem thêm: lmth.3192934-couq-gnurt-y-pahp-hnagn-auc-ot-gno/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tài phá án của 'ông tổ' ngành pháp y Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools