EU tiếp tục tăng cường kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản
Vừa qua, một số báo đưa tin, từ ngày 23/11 tới, EU sẽ áp dụng quy định mới về tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với nông sản từ Việt Nam vào châu lục này. Điều này đã khiến một số nhà vườn và doanh nghiệp lo lắng có thể sản phẩm của họ sẽ bị tăng tần suất kiểm tra hơn trước. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, không có việc EU thay đổi tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản Việt Nam. Những quy định trên không khác gì so với những quy định đang được áp dụng từ năm 2019 đến nay.
Quy định tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với nông sản Việt Nam vào EU cụ thể như sau: rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây, đậu bắp, hạt tiêu là 50% và thanh long 10%.
Trong 2 năm qua, Việt Nam thực hiện quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của EU khá tốt. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Sự thay đổi về mặt quy định của EU trong văn bản 1900/2021 không thay đổi gì so với 2019. Tuy nhiên EU vẫn đang kiểm tra và siết chặt các hoạt chất bảo vệ thực vật trước khi cho phép sử dụng ở EU. Thậm chí, các hoạt chất bảo vệ thực vật EU đang sử dụng được xem xét, trước mắt tạm dừng hoặc không gia hạn", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật còn khẳng định trong 2 năm qua, Việt Nam thực hiện quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của EU khá tốt. Minh chứng trong năm 2020 và 2021, Việt Nam mới nhận được khoảng 3 thông báo về lô hàng vi phạm quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Việt Nam đang làm khá tốt, nhưng không có nghĩa được phép lơ là, chủ quan. Mới đây, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha về việc nước này cảnh báo phát hiện dư lượng chất chlorpyrifos có hại trong một số sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang đây. Việc một số lô hàng nông sản của Việt Nam bị cảnh báo tuy nhỏ, nhưng cũng đủ thấy hệ thống kiểm soát chất lượng của thị trường EU là rất chặt chẽ, buộc phải làm kỹ ngay từ vùng trồng nông sản.
Phóng viên VTV đã được đi một số vùng nông sản đang bắt đầu được đưa vào quy hoạch chuyên canh các sản phẩm xuất khẩu tới thị trường khó tính như EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc và thấy rõ sự khác biệt.
Tại vùng trồng cho thị trường xuất khẩu: cánh đồng mẫu lớn, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng nhật ký. Điều này khác xa với vùng trồng tự phát, 3 - 4 loại cây trong mẫu ruộng, không tiêu chuẩn, không kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật…
So sánh như vậy để thấy vì sao nông sản tại vùng trồng được quy hoạch lại luôn đắt hàng và đem lại giá trị cao gấp 2, thậm chí gấp 3 lần ở vùng canh tác tự phát.
Tăng cường kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trong vùng trồng chuyên canh
Phải 2 tháng nữa cà rốt mới được thu hoạch, nhưng theo đại diện của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, để đảm bảo quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các nước nhập khẩu, cà rốt cho tới khi thu hoạch sẽ không dùng thêm bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào khác. Việc này được giám sát qua nhật ký sản xuất cũng và ban quản trị hợp tác xã.
"Từ hợp tác xã đến thôn đi giám sát và ghi nhật ký đồng ruộng. Chúng tôi sẽ thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thời điểm nào chăm sóc, thời điểm nào phun thuốc. Do vậy chúng tôi quản lý được thuốc bảo vệ thực vật", ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, cho biết.
Không chỉ giám sát quá trình canh tác, việc lấy mẫu nông sản đi kiểm nghiệm trước khi xuất khẩu là điều bắt buộc.
Chỉ còn khoảng 1 tuần, gần 100 tấn bắp cải ở đây sẽ được thu hoạch để xuất khẩu, nhưng phải trải qua từ 2 - 3 lần lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nếu đạt tiêu chuẩn mới đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường khó tính. Việc lấy mẫu được cả doanh nghiệp và địa phương phối hợp thực hiện, đảm bảo tính minh bạch, chính xác của kết quả.
"Chúng tôi hỗ trợ các công ty trên địa bàn tỉnh kiểm tra, đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ khi trồng cho đến thu hoạch", ông Trần Trung Âu, Phó Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Dương, cho hay.
"Giám sát ở đây được hiểu là khi đến giai đoạn thu hoạch, chúng tôi sẽ xuống lấy mẫu về phân tích tại phòng lad của cục để xem họ đã sử dụng những hoạt chất gì, để kiểm soát nếu chỗ nào làm không đúng thì phát hiện được ngay", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ.
Khi kiểm soát được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đảm bảo chất lượng xuất khẩu, kéo theo giá trị sản phẩm tăng theo.
Doanh nghiệp bắt tay với nông dân kiểm soát chất lượng nông sản
Không chỉ người trồng, địa phương chủ động tuân thủ các yêu cầu từ phía EU và các thị trường xuất khẩu lớn, mà với các doanh nghiệp, họ cũng đang tính đường dài.
Nhiều doanh nghiệp chủ động làm một vùng nguyên liệu để kiểm soát chất lượng tốt hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam xuất khẩu nông sản quanh năm, nhưng sau vài năm đi khắp các vùng trồng thu mua nguyên liệu đầu vào, không ít lần sản phẩm mang đi kiểm tra không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện họ đã quyết định làm một vùng nguyên liệu để chủ động kiểm soát chất lượng tốt hơn.
"Chúng tôi chủ động trong chuỗi liên kết, chủ động tìm kiếm thông tin về các thị trường, thậm chí đưa ra những kịch bản nếu các thị trường yêu cầu sản phẩm, tiêu chí như này thì phương án đáp ứng của mình phải như thế nào", ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, cho hay.
Theo đó, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cũng thành lập một hợp tác, tập hợp xã viên có diện tích đảm bảo những cánh đồng mẫu lớn. Như hộ của anh Bừng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), sau khi bắt tay với doanh nghiệp, đã mở rộng diện tích trồng bắp cải GlobalGAP lên gấp đôi.
"Mình mở rộng thì mình phải hợp tác, phải làm như thế nào để đảm bảo cây rau được xuất khẩu, sau này mới có thương hiệu", anh Đoàn Sa Bừng chia sẻ.
Hiện Hải Dương là một trong những địa phương đã thành lập được một số vùng sản xuất các loại cây trồng chuyên canh cho từng thị trường xuất khẩu. Chỉ tính riêng giá trị sản xuất vụ Đông vừa qua, tỉnh Hải Dương nơi đạt 208 triệu đồng/ha, gấp hơn 2,5 lần so với mức bình quân các tỉnh phía Bắc.
Châu Âu là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất Việt Nam. 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này chiếm 11,4%, tức khoảng 4,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc đưa nông sản được vào thị trường khó tính như EU cũng nâng cao giá trị và thương hiệu của nông sản Việt. Chính vì vậy, việc giữ vững và mở rộng thị trường này là mục tiêu quan trọng của cả ngành trong thời gian tới.
VTV.vn - Bên cạnh lợi thế, những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt khi "vươn ra biển lớn" cũng không hề nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!