Trong cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh bay vòng quanh trái đất của Trung Quốc vào hồi tháng 7, một tên lửa đã được phóng từ phương tiện siêu thanh bay với tốc độ trước nay chưa từng có, theo tờ Financial Times và Wall Street Journal.
Cuộc thử thử vũ khí siêu thanh của Trung Quốc ngày 27-7 đã khiến các quan chức và chuyên gia phương Tây ngỡ ngàng.
Trong cuộc thử nghiệm đó, một phương tiện phóng chứa tên lửa tầm xa mang đầu đạn siêu thanh dẫn đường bay vòng quanh thế giới và sau đó phóng đầu đạn về phía mục tiêu thử nghiệm ở trong lãnh thổ Trung Quốc.
Điều bất ngờ là việc phóng tên lửa diễn ra trong khi phương tiện siêu thanh đang lao với tốc độ siêu âm khoảng 6.175 km/h.
Theo hai tờ báo, cuộc thử nghiệm cho thấy sự phát triển vượt bậc đến bất ngờ của các loại vũ khí chiến lược và vũ khí mang hạt nhân Trung Quốc. Các quan chức Nhà Trắng cũng đã rất ngạc nhiên về khả năng này của Bắc Kinh.
Phương tiện siêu thanh được phóng từ tên lửa Long March trong chương trình khám phá mặt trăng của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Mặc dù tên lửa siêu thanh này đã bay lệch mục tiêu hơn 32 km nhưng tuần trước, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng John Hyten đã đánh giá tên lửa bay “đủ gần” trong lần thử nghiệm ban đầu.
Cuộc thử nghiệm này và thử nghiệm lần tới diễn ra vào ba tuần sau của Trung Quốc đã đặt ra thách thức chiến lược đối với quân đội Mỹ và tạo ra cảm giác cấp bách cho Washington, theo tướng Hyten.
Bên cạnh đó, đáng chú ý là trong khi bay từ phía nam về phía Trung Quốc, phương tiện siêu thánh đã phóng một tên lửa khác xuống Biển Đông nhưng không gây thiệt hại.
Cả Mỹ và Nga hiện chưa chứng minh được khả năng tương tự vì khả năng này đòi hỏi phải phóng một tên lửa từ phương tiện phóng bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Tờ Financial Times cho biết các chuyên gia quân sự Mỹ đang cố gắng tìm hiểu cách Trung Quốc làm chủ công nghệ. Hành động này sẽ giúp Mỹ vượt lên trước các đối thủ trong cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh.
Theo Financial Times, các chuyên gia công nghệ của Lầu Năm Góc không rõ bằng cách nào Trung Quốc có thể đạt được thành tựu này.
Giới chuyên gia cũng chưa rõ mục đích của các tên lửa khi phóng ra. Nó có thể sử dụng để ngắm bắn mục tiêu hoặc làm lệch hướng hệ thống phòng thủ của đối phương trước một cuộc tấn công siêu thanh.
Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc gần đây đã tăng cường sản xuất đầu đạn hạt nhân trang bị trên tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo thông thường phóng từ tàu ngầm hay đất liền .