Thống kê của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy hiện TP có 75.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng đến nay chỉ có khoảng 60% cơ sở mở cửa hoạt động lại.
Mở cửa gặp nhiều khó khăn
Ngày 16-11 vừa qua, UBND TP.HCM đã cho phép cơ sở kinh doanh ăn uống tại địa bàn có dịch cấp độ 1 và 2 được hoạt động bình thường, mở cửa đến 22 giờ và được phép phục vụ rượu, bia. Chủ trương trên giúp nhiều hàng quán đã hồi sinh trở lại, nhộn nhịp hơn trước.
Ông Chót, chủ quán Sake chuyên bê thui ở quận Tân Phú, rất mừng chia sẻ. “Kinh doanh quán nhậu mà không cho bán rượu bia, chỉ cho bán đồ ăn suông thì cầm cự không được lâu vì vắng khách”.
Tuy vậy, theo ông Chót, việc kinh doanh vẫn chưa khả quan vì khách chưa ra ngoài ăn uống nhiều. Trong khi đó mỗi tháng quán phải chi trả gần 100 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, tiền vay ngân hàng, điện nước... Đó là chưa kể việc tìm nhân viên phục vụ cũng nan giải.
“Trước dịch, tổng số nhân viên phục vụ quán và đầu bếp là 12 người, bây giờ chỉ còn một nửa. Dù tình hình buôn bán vẫn còn ảm đạm nhưng tôi cố gắng cầm cự chứ đã đầu tư cả tỉ đồng vào quán, nay đóng cửa thì chưa biết kinh doanh nghề gì” - chủ quán Sake bày tỏ.
Ông Dương Phúc Đáng, chủ hệ thống nhà hàng bún bò Sông Hương, thông tin: Đến nay, cả bốn nhà hàng bún bò của hệ thống đều mở cửa kinh doanh, song lượng khách so với trước dịch giảm rất nhiều.
Đặc biệt, nhịp sống, thói quen ăn uống của người dân TP.HCM đã thay đổi nhiều. Chính vì vậy, nếu trước dịch quán sôi động từ 16 giờ đến 23 giờ vì nhiều người đi chơi khuya ghé ăn uống thì nay đến 20 giờ đã vắng hoe.
“Đau đầu nhất là hàng loạt nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt. Đơn cử giá gas tăng lên mức 500.000 đồng/bình 12 kg, xăng vọt lên gần 25.000 đồng/lít; giá thịt bò từ 210.000 đồng lên 230.000-240.000 đồng/kg… Trong khi quán không dám tăng giá bán đến người tiêu dùng vì sợ mất khách” - ông Đáng nói.
Tương tự, ông Dương Đức Dũng, Hội Ái hữu nhà hàng TP.HCM, đại diện hệ thống nhà hàng Việt Phố, thông tin: Hầu hết nhà hàng đều không đủ lao động, đặc biệt thiếu trầm trọng đầu bếp.
Bên cạnh đó, nhà cung cấp nguyên vật liệu ở các tỉnh vẫn vướng về vận chuyển hàng hóa, xét nghiệm, cách ly… khiến họ nản lòng. Điều này khiến chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa vẫn bị gián đoạn hoặc không phong phú như trước và giá tăng cao.
Quán ăn, nhà hàng đã mở cửa trở lại nhưng việc kinh doanh chưa thực sự khởi sắc. Ảnh: MINH TÂM
Theo Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 10-2021 ước đạt 548 tỉ đồng, giảm đến 92,6% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm nay, doanh thu dịch vụ ăn uống chỉ đạt 33.185 tỉ đồng, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm trước. |
Kiến nghị có gói vay mới
Theo quy định hiện hành, tại TP.HCM, đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 1 (vùng xanh) và cấp độ 2 (vùng vàng), các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động bình thường. Đối với địa bàn có dịch cấp độ 3 (vùng cam), các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Đối với địa bàn dịch cấp độ 4 (vùng đỏ), chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn uống tại chỗ.
Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn cho rằng quy định này chưa thực sự hợp lý. Bởi tại một số địa phương, việc định nghĩa cấp độ dịch không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cảm tính. Điều này khiến các đơn vị kinh doanh ăn uống lúng túng, không biết làm thế nào cho đúng. Ví dụ, có khi cùng một con đường nhưng một bên được cho bán bia rượu, bên còn lại thì cấm.
“TP.HCM cho phép thí điểm bán đồ uống có cồn tại chỗ nhưng giới hạn giờ giấc rồi quy định về cấp độ dịch, giới hạn lượng khách… nên không chỉ quán gặp khó mà khách cũng e ngại, sợ bị phạt. Đối với các nhà hàng lớn, sống được chủ yếu nhờ tổ chức tiệc tùng, sinh nhật, họp mặt. Với quy định như hiện nay gây thiệt hại lớn nhưng chúng tôi đành chấp nhận tình trạng trên để giữ gìn thương hiệu” - đại diện một hệ thống nhà hàng lớn nói.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM mới đây cũng đánh giá thời gian qua, việc thí điểm sử dụng đồ uống có cồn tại các quán ăn ở TP Thủ Đức và quận 7 không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Hai địa phương này cũng đã đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện thí điểm. Bởi nếu ngành ăn uống được hoạt động bình thường, có kiểm soát về dịch bệnh sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Lê Tân, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA), nhìn nhận sự đứt gãy chuỗi cung ứng thị trường đã làm đảo lộn kế hoạch hoạt động, kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
“Thách thức và khó khăn lớn nhất hiện nay là làm thế nào để các nhà hàng, quán ăn tồn tại vì tồn tại mới tính kế lâu dài. Trong bối cảnh trên, Nhà nước cần hỗ trợ họ về cơ chế, tài chính, thuế… Hỗ trợ thiết thực nhất đối với họ là nguồn vốn, tạm đóng nợ cũ, tăng hạn mức tín dụng, hỗ trợ lãi suất. Đặc biệt Nhà nước cần có một gói vay mới với lãi suất ưu đãi để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vừa và nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng” - ông Dũng kiến nghị.
Doanh thu thị trường ẩm thực dự báo đạt 408 tỉ USD Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết qua khảo sát cho thấy cả nước hiện có hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh theo kiểu truyền thống; trên 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh; trên 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác. Riêng trong năm 2019, doanh thu từ thị trường ẩm thực tại Việt Nam đạt khoảng 200 tỉ USD, tăng 34,3% so với năm 2018. Dự kiến đến năm 2023, nếu mọi việc thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát thì doanh thu ngành này có thể xấp xỉ 408 tỉ USD. |