Lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân giảm
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân trong hệ thống ngân hàng giảm liên tục trong 2 tháng qua. Con số công bố gần nhất là tháng 9 giảm 2.000 tỷ đồng so với tháng 8, xuống còn 5,291 triệu tỉ đồng. Trước đó, lượng tiền gửi cá nhân thanh toán tháng 8 giảm 1.000 tỷ đồng so với tháng 7, xuống còn 5,293 triệu tỷ đồng.
Kể từ đầu năm đến nay, tháng 2 có lượng tiền gửi cá nhân tăng mạnh nhất 138.000 tỷ đồng, lên 5,263 triệu tỷ đồng. Thế nhưng qua tháng 3 sụt giảm mạnh 13.000 tỷ đồng, xuống còn 5,25 triệu tỷ đồng. Qua tháng 4, 5, 6 và 7 hồi phục tăng từ 1.000 đến 18.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Tính đến cuối quý III có 6 ngân hàng giảm lượng tiền gửi khách hàng so với đầu năm, như PGBank giảm 6,73%, NCB giảm 3,64%...
Trong khi đó, tiền gửi của doanh nghiệp có tăng trưởng khả quan hơn. Sau khi giảm gần 26.000 tỷ đồng trong tháng 7, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng trưởng trở lại trong tháng 8, tháng 9. Đến cuối quý 3, tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng đạt hơn 5,25 triệu tỷ đồng.
Có thể thấy, từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của người dân tăng trưởng "èo uột" không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm. Đây là diễn biến chưa từng thấy những năm trước đây, bởi thông thường, tiền gửi của dân cư luôn tăng trưởng rất đều đặn, chỉ có thể giảm ở những tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán.
Sức hút của “cơn sóng” chứng khoán, vàng
Việc tiền gửi dân cư sụt giảm mạnh trong tháng 8, tháng 9 có thể do làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh ở thời điểm này. Theo đó, thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng, đồng thời giãn cách xã hội cũng khiến khách hàng khó đến ngân hàng để gửi tiết kiệm. Nhiều người có tiền nhàn rỗi cũng không còn "mặn mà" gửi ngân hàng vì lãi suất quá thấp, như gửi 1 năm chỉ được lãi khoảng 6%.
Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, trong khi chứng khoán liên tiếp có những "cơn sóng", giá vàng tăng... đã hút một lượng tiền lớn của dân cư vào những kênh đầu tư sinh lời mạnh này.
Đơn cử như với chứng khoán, 10 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại. Riêng chỉ trong tháng 10 đã hơn 129.500 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước.
Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng đột biến đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi trước đó, tổng kết nửa đầu năm 2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng lãi suất huy động
Trong bối cảnh nguồn tiền nhà rỗi của dân cư "chảy" ra khỏi ngân hàng, nhiều tổ chức tín dụng đã tăng lãi suất huy động thời gian để thu hút người gửi tiền trở lại.
Khảo sát trên thị trường, lãi suất tiền gửi được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1-0,3% ở kỳ hạn dưới 3 tháng và từ 12 tháng trở lên.
Trong tháng 10, một số ngân hàng như Eximbank, Sacombank cũng tăng từ 0,1-0,4% đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và từ 12 tháng trở lên.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng được Eximbank tăng lên 3,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng được Sacombank tăng 0,4% lên 3,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,5%/năm và 24 tháng tăng lên 6%/năm.
Tại SHB, biểu lãi suất tiết kiệm bậc thang và tiền gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ áp dụng cho các khoản dưới 2 tỷ đồng được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,4%, lên mức 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng.
BaoVietBank tăng 0,15% lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,1% lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm. Ở các kỳ hạn từ 13-36 tháng, lãi suất tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ được ngân hàng này áp dụng ở mức 6,5%/năm.
Đào Vũ (Tổng hợp từ báo Thanh Niên, CafeF, Dân Trí)