Khi chưa trả xăng dầu về với thị trường, trong lúc giá xăng thế giới liên tục tăng cao và các công cụ bình ổn giá khác đã hết dư địa, giảm thuế là phương án cần thiết để "giảm sốt" giá xăng. Mặt khác, do giá xăng dầu đang chịu gánh nặng rất lớn từ hàng loạt chi phí như thuế, phí, lợi nhuận định mức... nên việc giảm thuế cũng cần được xem xét ngay cả khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới không tăng cao.
Giá càng giảm thuế càng cao
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ cấu giá xăng gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế GTGT (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (lần lượt 10% và 8% với xăng RON95 và E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng/lít với xăng E5 và 4.000 đồng/lít với RON95). Chưa hết, mỗi lít xăng còn gánh chi phí định mức kinh doanh 1.050-1.250 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng và trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) theo điều hành thực tế của cơ quan quản lý.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được coi là loại thuế đánh nặng nhất vào các mặt hàng xăng dầu. Chẳng hạn, với giá xăng RON95 là 24.996 đồng/lít và E5RON95 là 23.669 đồng/lít tại kỳ điều hành gần đây nhất vào ngày 10-11, thuế bảo vệ môi trường đang chiếm khoảng 16% giá bán lẻ các loại xăng.
Đáng lưu ý, khác với các loại thuế tính trên giá CIF với đặc điểm tăng giảm theo biến động giá trên thị trường, thuế bảo vệ môi trường là khoản tiền cố định nên khi giá xăng càng giảm thì tỉ lệ loại thuế này trong cơ cấu giá càng cao. Chẳng hạn, khi giá xăng RON95 lao dốc xuống còn hơn 12.000 đồng/lít vào hồi tháng 3-2020, chỉ riêng thuế bảo vệ môi trường đã chiếm đến gần 1/3 giá bán lẻ. Thậm chí, có những thời điểm, tỉ trọng của loại thuế này trong mỗi lít xăng được ghi nhận còn cao hơn nữa.
Cũng vào thời điểm tháng 3-2020, theo tính toán của Bộ Công Thương, tỉ trọng các loại thuế, phí trong giá xăng lên tới 55%-60%, trong giá dầu là 35%-40%. Trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm 32% giá xăng, 11%-20% giá dầu. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Đặc biệt, đề nghị giảm thêm tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 để tương xứng với ý nghĩa của nó trong góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tạo chênh lệch giá rõ ràng để khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên đến nay, sắc thuế này vẫn được giữ nguyên theo khung quy định tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức cụ thể.
Nên giảm thuế xăng dầu nhiều hơn nữa ngay cả khi giá mặt hàng này không tăng cao. Ảnh: TẤN THẠNH
Không thể chần chừ
Các chuyên gia kinh tế bày tỏ đồng tình với việc đánh thuế bảo vệ môi trường lên những mặt hàng gây ô nhiễm và đánh giá đây là nguồn thu có ý nghĩa để bổ sung cho công tác chi vì môi trường. Tuy nhiên, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp để tránh tình trạng chồng chéo và góp phần chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 gây tác động nặng nề.
"Mức thuế mà mỗi lít xăng dầu đang gánh hiện nay là quá cao!" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bức xúc. Theo bà Chi Lan, các loại thuế, phí có thời điểm chiếm đến hơn 60% cơ cấu giá xăng, riêng thuế bảo vệ môi trường có lúc bằng 40% giá xăng, là rất bất hợp lý. Đặc biệt, trong bối cảnh các DN đang nỗ lực hồi phục sản xuất - kinh doanh thì việc phải tốn chi phí cho các loại thuế, phí trong giá xăng dầu là chưa "hợp tình hợp lý".
"Chính phủ, Quốc hội bàn thảo, thông qua nhiều chính sách hỗ trợ người dân, DN hồi phục sau thời gian dài "đóng băng" hoạt động vì dịch bệnh, trong đó có miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế. Thế nhưng, thuế, phí trong nhiên liệu đầu vào quan trọng của DN là xăng dầu không được giảm thì cũng chưa hỗ trợ tốt nhất cho DN. Các phần thuế khác được giảm có thể không bù đắp nổi chi phí gia tăng do giá xăng dầu tăng mạnh vào đúng thời điểm DN trở lại thị trường và có nhu cầu sản xuất, vận chuyển... rất lớn" - bà Phạm Chi Lan chỉ rõ.
Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần được xem xét giảm mạnh nhất vì sắc thuế này đang cao ở mức vô lý, kịch khung được quy định tại luật. Đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường được thu ở mức cao nhưng người dân không nắm được việc sử dụng cụ thể ra sao. Do vậy, bà Lan nhấn mạnh ngoài giảm thuế thì cần công khai, minh bạch hơn trong việc sử dụng.
Giá xăng dầu tăng phi mã hiện nay còn là yếu tố quan trọng đe dọa đến lạm phát trong thời gian tới. TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và DN thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho hay NCIF dự báo các mặt hàng xăng dầu, kim loại... sẽ thiết lập một mặt bằng giá cao hơn sau đại dịch Covid-19. Việc này có thể gây áp lực tăng lạm phát do tăng chi phí từ bên ngoài, đặc biệt là chi phí nhập khẩu.
"Đã có nhiều ý kiến thảo luận về việc có nên dừng thu thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu hay không vì chi phí này đang ở mức tương đối cao. Nếu giảm được thuế này thì sẽ góp phần giảm giá xăng, giúp kiểm soát hoặc ít nhất là ổn định được lạm phát" - ông Thắng nhìn nhận.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thừa nhận hiện không còn dư địa để giảm giá xăng thông qua Quỹ BOG nhưng dư địa giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt thì còn tương đối. Do đó, có thể xem xét đến công cụ này để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.
Đang xem xét giảm thuế xăng dầu
Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã nhận được đề xuất của Bộ Công Thương về việc rà soát để giảm các loại thuế đang áp dụng đối với xăng dầu. Hiện Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất này trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền.
Trước đó, liên quan đến giá xăng dầu tăng trong thời gian qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Bộ Tài chính, sẽ bám sát diễn biến, tính toán và kiến nghị chính sách với cấp có thẩm quyền để giảm tối đa tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi kinh tế cũng như đời sống người dân.
M.Chiến
Nỗ lực giữ giá hàng hóa
Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 22-11, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đang tăng giá theo đà tăng của giá nguyên liệu, nhiên liệu và chi phí phòng chống dịch của DN. "Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các DN bình ổn giá vẫn đóng vai trò chủ lực điều tiết giá cả nhằm bảo đảm giữ giá hàng hóa được như mọi năm" - ông Lê Huỳnh Minh Tú nói.
H.Yến
Xem thêm: mth.74951841222111202-uad-gnax-euht-maig-mos-nen/et-hnik/nv.moc.dln