Trao quyết định công nhận bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Cụ thể, bộ dụng cụ dệt bằng gỗ phát hiện tại di chỉ khảo cổ Phú Chánh, thị xã Tân Uyên được công nhận là bảo vật quốc gia. Còn nghề gốm Bình Dương và Võ lâm Tân Khánh Bà Trà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Buổi lễ công bố diễn ra tại trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Dương (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Thái - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bình Dương - nhấn mạnh, các di sản văn hóa được vinh danh có ý nghĩa quan trọng trong góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cùng với địa phương quảng bá hình ảnh và kích cầu du lịch.
"Ngay sau khi các di sản được công nhận, ngành văn hóa địa phương đã có kế hoạch xây dựng phương án bảo vệ, phát huy di sản một cách tốt nhất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hư hỏng, mất mát hiện vật" - ông Lê Văn Thái nói.
Tính đến nay, Bình Dương có 3 bảo vật quốc gia gồm bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh vừa được công nhận, tượng động vật Dốc Chùa (công nhận năm 2013) và mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh (công nhận năm 2018).
Bình Dương cũng có 3 di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh gồm nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm Bình Dương và Võ lâm Tân Khánh Bà Trà.
Ông Nguyễn Lộc Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, tỉnh khẩn trương xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời chú trọng các giải pháp quan tâm, hỗ trợ các nghệ nhân, võ sư giới thiệu di sản công chúng, nhất là thế hệ trẻ; đặc biệt là gắn kết di sản văn hóa vào hoạt động khai thác du lịch…
Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được phát hiện tại di chỉ khảo cổ ở ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên), tỉnh Bình Dương năm 1998 và 2001.
Có 23 hiện vật tìm thấy gồm trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc chưa xác định công dụng. Các chuyên gia khảo cổ xác định, đây là hiện vật quý hiếm, tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên (cách ngày nay trên 2.000 năm).
Hiện nay, kết cấu của loại khung dệt này còn được một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên và Đông Nam Á sử dụng.
Trưng bày nghề gốm Bình Dương - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Nghề gốm Bình Dương là một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở tỉnh này, có lịch sử hình thành khoảng 200 năm được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Từ thương hiệu gốm Lái Thiêu, các sản phẩm đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh từ thế kỷ trước đến gốm Thành Lễ nổi tiếng một thời, cho đến nay là gốm sứ Minh Long, Cường Phát đang được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Võ sư Hồ Tường có hơn 25 năm truyền bá võ thuật đến với đông đảo học sinh, sinh viên tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Môn phái Võ lâm Tân Khánh ra đời từ thế kỷ 17, được các bậc tiền nhân dùng chống thú dữ, giặc giã cũng như khẩn hoang vùng đất Nam Bộ.
Đến giữa thế kỷ 19, bà Trà, hậu duệ một vị tướng Tây Sơn, cùng gia đình đến vùng đất Bình Chuẩn và Tân Phước Khánh (Bình Dương) sinh sống và truyền dạy những đòn thế, bài quyền cho người dân địa phương, đồng thời kết hợp thế võ xưa hình thành nên môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà.
Hiện nay, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có hàng ngàn môn sinh, có mặt trên 10 tỉnh, thành phố như: Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Nghệ An...
Tối 23-3, tại không gian cổ kính của khu di tích Dinh Bà, bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng, Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.