Điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng bậc nhất trong Hoàng cung Huế - sẽ được trùng tu sau tháng ngày xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: NHẬT LINH
Ngày 23-11, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết sẽ tổ chức khởi công dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa vào chiều cùng ngày.
Điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng cung Huế - nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong 143 năm.
Ngôi điện được khởi công xây dựng vào ngày 22 tháng giêng năm Gia Long thứ 4 (tháng 2 năm 1805) và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Tuy nhiên, vào năm 1833, khi vua Minh Mạng cho tái quy hoạch các công trình trong Hoàng thành Huế, điện Thái Hòa được dời từ vị trí cũ đến vị trí hiện nay.
Do di tích xuống cấp nghiêm trọng nên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phải sử dụng nhiều thanh sắt chống ở các cột trụ ngay trước hiên điện - Ảnh: NHẬT LINH
Điện Thái Hòa là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế. Bên trong điện đặt ngai vàng, vị trí quyền lực tối cao nhất của triều đình nhà Nguyễn.
Phía trước điện Thái Hòa là sân Đại triều nghi, nơi các quan đứng dự lễ Đại triều. Sân có 2 tầng, được lát đá Thanh, hai bên dựng 2 hàng "phẩm sơn" (bia đá nhỏ, trên có khắc thứ bậc của các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mỗi bậc có 2 hạng: chánh và tòng).
Tại các buổi lễ, nhà vua sẽ ngự trên ngai vàng, chỉ có một số ít các hoàng thân được phép đứng chầu hai bên, còn tất cả các quan sẽ phải đứng trên sân Đại triều nghi theo đúng thứ bậc đã được ghi trên các tấm bia "phẩm sơn".
Họa tiết hình rồng trên nóc điện Thái Hòa phải cần được chống đỡ bởi những thanh sắt - Ảnh: NHẬT LINH
Hơn 200 năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng đến nay điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng.
Từ ngày 23-11, điện Thái Hòa sẽ được trùng tu toàn bộ các hạng mục tổng thể công trình gồm: nền móng, tường bao, mái lợp, hệ khung và các kết cấu gỗ, hệ thống trang trí nội thất, mái, sơn thếp; hệ thống sân Đại triều, đường, lan can; nội thất; tôn tạo hạ tầng kỹ thuật; tôn tạo cây xanh cảnh quan.
Dự án có tổng diện tích 7.100m2. Trong đó, khuôn viên điện Thái Hòa có tổng diện tích 4.851,3m2 chiều rộng là 61,25m và chiều dài là 79,20m, gồm điện Thái Hòa có tổng diện tích 1.440m2, sân Đại triều nghi có tổng diện tích là 1.640m2.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 128 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 8 năm 2025.
Một số hình ảnh điện Thái Hòa được Tuổi Trẻ Online ghi lại trước khi công trình này trùng tu:
Những cột trụ trước hiên điện Thái Hòa được chống đỡ do phần mái bị xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: NHẬT LINH
Bên trong ngôi điện là hệ thống 80 chiếc cột bằng gỗ lim được sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn rồng mây cùng môtip “nhất thi nhất họa” với hàng trăm bài thơ chữ Hán trên các ô hộc ở phần liên ba - Ảnh: NHẬT LINH
Một cột trụ bên trong ngôi điện bị mối mọt nghiêm trọng, phải hạ xuống để đảm bảo an toàn - Ảnh: NHẬT LINH
Ngai vàng bên trong điện Thái Hòa. Trong đợt trùng tu này, ngai vàng cũng sẽ được tu bổ, phục hồi cùng với các đồ nội thất khác… - Ảnh: NHẬT LINH
Toàn cảnh bên ngoài điện Thái Hòa - Ảnh: NHẬT LINH
TTO - Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vừa có văn bản cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành khai quật khảo cổ khu vực hai bên điện Thái Hòa để xác định thêm hệ thống nền móng, gạch của ngôi điện quan trọng bậc nhất kinh thành Huế.