Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh thành giàu di tích lực sử văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp hiền hòa bậc nhất Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng vài chục năm trước, ngành du lịch tỉnh này dường như chỉ khai thác những gì có sẵn chứ ít khi tạo nên thứ gì đó đáng nhớ hơn với du khách. Chỉ vài năm gần đây, mọi chuyện có khác đi, với sự xuất hiện của nhiều người trẻ chọn ở lại phát triển quê hương và tham gia vào ngành du lịch.
Lê Thị Kim Hằng - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Yes Hue Eco, là một trong những người như thế. Vợ chồng chị đang là 2 gương mặt quen thuộc của giới khởi nghiệp Huế, khi có 2 dự án chạy khá tốt là YesHue Gia Vị - chuyên về sản xuất gia vị đặc trưng Huế và YesHue Eco - khu du lịch.
Lê Thị Kim Hằng đang dẫn khách tham quan khu du lịch YesHue Eco lúc mới đi vào hoạt động.
YesHue Eco là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng – vui chơi được xây dựng dựa vào thác Mơ với tổng diện tích 50.000 m2, tọa lạc tại huyện Nam Đông; cách thành phố Huế 45 km về phía Nam và cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 60 km.
Thác Mơ được nhiều người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế biết đến khá lâu nhờ cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những cánh rừng xanh ngát bao phủ, soi mình dưới làn nước trong veo, mát lạnh. Nằm trên trục đường mòn chính dẫn lên các dãy núi địa phương và xa hơn là dãy núi Bạch Mã trùng điệp, thác Mơ như một điểm nhấn giữa vẻ đẹp ngút ngàn, hùng vĩ của núi rừng xứ Huế.
Trước đây, như nhiều thác suối đẹp khác ở Thừa Thiên Huế, Thác Mơ chỉ là nơi để người dân thỉnh thoảng tự đến vui chơi hoặc xuất hiện một vài hộ kinh doanh tự phát ‘chiếm cứ’ một khu vực nào đó quanh suối. Mà như chúng ta biết, dịch vụ ‘tự phát’ của người Việt luôn mang đến những hậu họa khôn lường – từ ô nhiễm môi trường, tai nạn đáng tiếc khi tắm suối thác…
Sau khi YesHue Eco xuất hiện và đầu tư bài bản, người dân Huế có thêm một nơi để đi nghỉ dưỡng một cách thoải mái – an toàn với dịch vụ phong phú như tắm suối – tiệc trưa/tối – ngủ lều; mà không phải tự mình chuẩn bị lỉnh kỉnh. Mặc dù mô hình này không mới trên thế giới hay Việt Nam, nhưng thật sự mới ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chỉ tiếc là Covid-19 và bão lũ đã khiến YesHue Eco không tạo ra được tiếng vang và thu hút nhiều du khách hơn như đáng lẽ nó phải thế - đặc biệt là nguồn du khách ngoài tỉnh và ngoài nước.
DO COVID-19 VÀ BÃO LŨ, YESHUE ECO CHỈ HOẠT ĐỘNG KHOẢNG 60 NGÀY TRONG 2 NĂM QUA
Tình hình hoạt động của YesHue Eco trong 2 năm qua như thế nào? Sự khác biệt của khu du lịch tại thời điểm cuối năm 2019 và hiện tại ở các mặt?
YesHue Eco cũng tham dự vào dự án Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại huyện Nam Đông năm 2019.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco (gọi tắt là công ty YesHue Eco) thành lập vào ngày 01/11/2018 với để triển khai dự án đầu tư Khu du lịch vui chơi và nghỉ dưỡng YesHue Eco được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp quyết định đầu tư số 2877/QĐ-UBND vào ngày 10/12/2018.
Khu du lịch hoàn thành công tác xây dựng giai đoạn 1 vào tháng 12/2019 với các kế hoạch đã triển khai là đưa chương trình sự kiện hoạt động thử nghiệm vào dịp Noel và bắt đầu mở cửa đón khách vào cuối tháng 02/2020.
Ngoài ra Công ty YesHue Eco cũng đã phối hợp với dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để triển khai dự án Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại huyện Nam Đông vào năm 2019.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay và thiên tai bão lũ cuối năm 2020, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của khu du lịch, nên trong 02 năm 2020 và 2021 thì khu du lịch chỉ hoạt động khoảng 3 tháng mỗi năm.
Còn nếu nói cụ thể hơn, vì doanh nghiệp vẫn phải đóng – mở liên tục, nên tính kỹ ra, chúng tôi hoạt động full chưa đến 2 tháng, đón lượng khách khoảng 8.000 người. Theo phễu marketing, khách đến YesHue Eco 1 lần rồi tỷ lệ quay lại lần 2-3 khá cao.
Do đó, để thích nghi với tình hình thực tế, thì kế hoạch hoạt động kinh doanh của công ty đã thay đổi nhiều từ kế hoạch triển khai đầu tư, kế hoạch tài chính cũng như đổi mới mô hình kinh doanh để đảm bảo tính duy trì hoạt động cho khu du lịch và góp phần nào ổn định thu nhập cho người lao động công ty.
Huế là khu vực mà dịch chưa bùng phát nghiêm trọng trong 2 năm qua, tuy nhiên lại khá cẩn thận so với những tỉnh thành khác. Thực trạng đó đã mang tới cho YesHue Eco những gì, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực?
Trong 2 năm qua, tuy Huế không phải là vùng bùng dịch nhưng phải chịu sự ảnh hưởng rất lớn về phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch (giảm 90% so với thời điểm dịch chưa bùng phát). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình của YesHue Eco vào các giai đoạn tiếp theo.
Thượng nguồn và hạ nguồn của thác Mơ.
Thác Mơ - 'linh hồn' của YesHue Eco.
Tuy nhiên, may mắn là tình hình dịch ở Thừa Thiên Huế chưa bùng phát nghiêm trọng và được kiểm soát tốt bởi chính quyền địa phương. Đây cũng là cơ hội để các điểm du lịch ở Huế như YesHue Eco có thể duy trì kinh doanh bằng cách chuyển đổi sang mô hình du lịch staycation, dựa trên các nhóm khách nhỏ nội tỉnh với các nhu cầu du lịch trải nghiệm các hoạt động giải trí ngoài trời với nhiều tiện ích.
Ngoài ra, khu du lịch cũng tổ chức các chương trình sự kiện nhỏ cho các đoàn khách nội tỉnh (các công ty, doanh nghiệp, cơ quan ban ngành...) để duy trì sự ổn định kinh doanh phát triển khu du lịch.
GỬI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở CHỖ KHÁC KHI KHU DU LỊCH ĐÓNG CỬA
Với nhiều doanh nghiệp du lịch trên cả nước, 2 khía cạnh mà họ cảm thấy khó khăn nhất trong dịch đó là duy trì lượng nhân sự cốt lõi cùng dòng tiền. Vậy còn YesHue Eco đã phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh và sự phát triển của mình vì dịch như thế nào? Đâu là những thứ mà mình phải hoãn lại, xóa đi và thêm mới vì dịch?
Với tiêu chí xây dựng nguồn nhân sự từ người dân tộc Cơ Tu bản địa để hỗ trợ phát triển kinh tế cho địa phương, chúng tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian để đào tạo được một lực lượng nhân sự tốt. Nên khi đại dịch diễn ra, cũng như các doanh nghiệp trên cả nước, YesHue Eco cũng phải điều chỉnh nhân sự để đảm bảo phòng chống dịch và chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cắt giảm nhân sự.
YesHue Eco cảm thấy buồn và thương nhân viên vì dịch bệnh nên phải giảm biên chế dẫn đến nhân viên không có công việc ổn định. Trong thời gian cao điểm, công ty có khoảng 35 nhân sự, bây giờ còn khoảng 20 người. Trong đó, 100% là người địa phương và 80% là người đồng bào thiểu số Cơ Tu.
Tuy nhiên với sự linh hoạt trong đào tạo nhân sự cũng như sự kế hoạch triển khai chuyển đổi số mô hình kinh doanh từ sớm, giúp Công ty cũng dễ dàng thích nghi tình hình mới.
Chúng tôi đổi mới sáng tạo bằng cách tạo ra mô hình doanh bằng cách chuyển đổi sang mô hình du lịch staycation dựa trên các nhóm khách nhỏ nội tỉnh như đã nói ở trên; tận dụng nguồn dữ liệu data khách hàng đã số hóa có sẵn trong quá trình kinh doanh để tạo combo sản phẩm – dịch vụ.
Các dịch vụ của YesHue Eco.
Ngoài ra, chúng tôi cũng bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác như thực hiện chương trình hỗ trợ tiêu thụ cam Nam Đông cho người dân, liên kết các điểm điểm du lịch khác tại huyện Nam Đông...; để tăng doanh thu cho công ty, ổn định thu nhập cho người lao động, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân bản địa.
Đặc biệt, trong các giai đoạn ngành du lịch có chỉ thị tạm dừng hoạt động do đại dịch Covid, thì YesHue Eco cũng đã liên kết trao đổi nhân lực lao động với một số công ty khác không bị tạm dừng hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm phần nào đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống cho một số nhân sự cốt lõi của Công ty.
Do tôi có một dự án khởi nghiệp sản xuất gia vị đặc trưng của Huế nữa và nó vẫn hoạt động tốt xuyên suốt đại dịch; nên lúc khu du lịch đóng cửa, tôi sẽ điều nhân viên của Yes Hue Eco sang startup sản xuất. Một bộ phận khác sẽ được Ban lãnh đạo gửi gắm ở các công ty may tại địa phương.
YesHue Eco có nhận được sự hỗ nào từ tỉnh và Bộ ngành liên quan trước và trong dịch?
Ngay từ ngày đầu thành lập, YesHue Eco đã nhận rất nhiều sự chính sách hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế như chương trình vay vốn từ Quỹ Đầu tư và Phát triển của tỉnh; các chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư và phát triển kinh tế tại vùng đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, chúng tôi đang triển khai dự án Khoa học Công nghệ cấp tỉnh đề tài ‘Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất một số cây đặc sản thương hiệu Nam Đông’ tại địa phương, từ đó góp phần tạo động lực phát triển mô hình du lịch trải nghiệp nông nghiệp bản địa công nghệ cao tại khu du lịch cũng như trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra YesHue Eco cũng nhận được sự hỗ trợ của tỉnh về trợ cấp người lao động bị nghỉ việc không hưởng lương do Covid 19 và sự động viên và quan tâm từ ban lãnh đạo tỉnh trong giai đoạn ảnh hưởng vì dịch bệnh và thiên tai bão lũ.
ĐỂ NGÀNH DU LỊCH PHỤC HỒI NHANH CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ
Chúng tôi nghe rằng, YesHue Eco đang có ý định phát triển khu du lịch ở giai đoạn 2, xây thêm các bungalow. Vậy thì bao giờ mình thực hiện, nguồn vốn thực hiện bao nhiêu và lấy từ đâu?
Theo kế hoạch, thì trong giai đoạn từ 2022 – 2025, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 2 với các mô hình lưu trú nghĩ dưỡng cao cấp tại Khu du lịch với các trải nghiệm đích thực của vùng rừng núi quốc gia Bạch Mã, từ các nguồn vốn huy động mới của công ty.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid thì kế hoạch này phải tạm dừng đến khi tình hình của ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi - phát triển sau đại dịch, để đảm bảo kế hoạch kinh doanh của công ty bền vững không bị gián đoạn.
Theo dự đoán của chị, thì bao giờ ngành du lịch của cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng mới có thể quay trở lại tốt như trước kia?
Theo dự đoán của chúng tôi, thì ngành du lịch có thể quay trở lại tốt như trước kia khi lượng vaccine được tiêm chủng rộng, đạt độ miễn dịch cộng đồng và các chính sách kích cầu liên kết du lịch đạt hiệu quả trong tình hình mới.
Tuy nhiên, để sự phục hồi ngành du lịch hiệu quả hơn, ngoài các chính sách kích cầu du lịch thì Chính phủ và các bộ ban ngành cũng như địa phương, cần có cơ chế chính sách đặc thù cho ngành du lịch, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch, ví dụ như hỗ trợ vốn vay phục hồi du lịch với lãi suất ưu đãi và ổn định…
Bên cạnh đó, các bên cần linh hoạt trong các chính sách định giá tài sản - đảm bảo vốn vay phục hồi của ngành du lịch, để các doanh nghiệp du lịch có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả.
Không nên định giá các tài sản đảm bảo của các hợp đồng tín dụng của các doanh nghiệp do ảnh hưởng đại dịch, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động dẫn đến thời gian trả nợ kéo dài, khấu hao tài sản lớn do kéo dài thời gian trong đại dịch... thì cũng sẽ là động lực để cho các "doanh nghiệp du lịch sống lại" góp phần cho ngành du lịch phát triển trở lại như trước kia.
Cảm ơn chị rất nhiều!
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị