“Việc ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ”- TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thông tư mới quy định các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Quy định mới của NHNN được ban hành trong bối cảnh thị trường trái phiếu liên tục tăng trưởng nóng trong thời gian gần đây.
Phân tích cụ thể ba thay đổi lớn nhất mà Thông tư mới quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp gồm:
Thứ nhất, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Thứ hai, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Thứ ba, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Có tới gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 124,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 27,3%; các công ty chứng khoán mua 148,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 32,6%. Đây là số liệu được cập nhật trong báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, do Công ty CP Chứng khoán SSI vừa công bố.
Trái phiếu doanh nghiệp có thể là một cách để các ngân hàng lách cho vay doanh nghiệp bất động sản, vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa “làm đẹp” bảng cân đối tài chính. Còn về phía doanh nghiệp, nếu đến kì hạn vay không có tiền trả nợ thì phát hành trái phiếu sẽ giúp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng.
Theo chuyên gia của SSI, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.
Chuyên gia SSI cũng chỉ ra rằng trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023-2024. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối.
Các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tiềm ẩn rủi ro đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Khi doanh nghiệp bất động sản gặp trục trặc thì ngân hàng và cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu đều có thể bị vạ lây.
Xem thêm: odl.479679-peihgn-hnaod-ueihp-iart-aum-neit-od-ceiv-teis-ib-gnah-nagn-cac-oas-iv/et-hnik/nv.gnodoal