Tàu ngầm Suffren lớp Barracuda của Pháp trước lúc hạ thủy. Úc dự định mua 12 tàu phiên bản chạy động cơ thường của lớp tàu ngầm này - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, kể từ khi mất hợp đồng đóng 12 tàu ngầm trị giá hơn 65 tỉ USD cho Úc, Pháp đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một loạt cuộc tiếp xúc cấp cao đã diễn ra giữa giới chức Pháp và các quan chức của Nhật, Ấn Độ, Việt Nam.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đang chuẩn bị thăm Indonesia, quốc gia đang tìm kiếm các tàu ngầm mới cho hạm đội ngày càng lạc hậu so với các nước trong khu vực.
"Chuyến đi này nhằm tái khẳng định cam kết của Pháp đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ với Indonesia", một nguồn tin ngoại giao Pháp nói với báo giới trước thềm chuyến thăm của ông Le Drian.
Indonesia đang đàm phán mua 36 chiến đấu cơ Rafale từ Pháp và đã ký ý định thư về việc này vào tháng 6 vừa qua. Mặc dù vậy giới chức hai bên không kỳ vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay do các vấn đề về tài chính của Jakarta.
Một nhà ngoại giao tiết lộ Pháp đang tích cực tăng cường quan hệ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, bù đắp cho hợp đồng tàu ngầm bị mất với Úc.
Chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Pháp Le Drian diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Anh và Úc vừa ký thỏa thuận trao đổi thông tin nhạy cảm về động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân cho hải quân.
Theo cơ chế an ninh AUKUS đạt được giữa 3 nước trên hồi giữa tháng 9, Úc sẽ có ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ Mỹ và Anh. Điều này đồng nghĩa Canberra sẽ không mua các tàu ngầm thông thường từ Pháp dù hai bên đã mất nhiều năm đàm phán.
Điều này đã khiến giới chức Pháp tức giận và thể hiện sự phẫn nộ bằng cách triệu hồi các đại sứ tại Mỹ, Úc về nước. Ngoại trưởng Pháp khi đó gọi hành vi của 3 nước AUKUS là "đâm sau lưng" vì Paris không hề được báo trước về việc này.
Vụ việc thu hút sự chú ý của báo giới quốc tế, trong đó một tờ báo của Mỹ cho rằng Mỹ và đồng minh có thể xoa dịu Pháp bằng cách tiếp tục mua 12 tàu ngầm dự định đóng cho Úc, sau đó bán/tặng lại cho các nước đối tác.
TTO - Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rằng Mỹ đã xử lý 'vụng về' thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) trong vụ việc khiến Pháp tức giận hồi tháng trước.