Tượng danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho, Tiền Giang) - Ảnh tư liệu
Ông Mai Phan Dũng - vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao - nói sự kiện này một lần nữa giúp Việt Nam giới thiệu được với bạn bè quốc tế tâm hồn, phẩm cách, triết lý sống... của dân tộc mình, một dân tộc với những con người yêu hòa bình, tự do, trọng đạo lý, tài năng văn chương nghệ thuật…
Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương sẽ được tổ chức đồng thời tại Việt Nam và tại văn phòng UNESCO (Paris, Pháp).
Không giống như với trường hợp Nguyễn Đình Chiểu, ngày tháng tổ chức lễ kỷ niệm cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương sẽ do địa phương làm hồ sơ (Nghệ An) quyết định và công bố sau, theo ông Mai Phan Dũng.
Cùng tham gia quá trình xây dựng và trình hồ sơ, ông Dũng nói cả hai nhà thơ đều là những nhân vật kiệt xuất, có tư tưởng anh hùng nghĩa hiệp, bảo vệ người yếu thế, chống bất công, bất bình đẳng trong xã hội.
Hồ Xuân Hương ngoài tài thơ độc đáo, các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam. Đây đều là những giá trị mà UNESCO đang rất thúc đẩy trên toàn thế giới.
Theo chuyên gia văn học trung đại - GS.TS Trần Ngọc Vương (Đại học Quốc gia Hà Nội), UNESCO kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu lần này là "hoàn toàn xứng đáng và có lý".
Về tài văn thơ, chỉ với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu trở thành đại diện xuất sắc nhất của lá cờ đầu không chỉ của văn học yêu nước ở Nam Bộ mà còn trong phạm vi toàn quốc. Hơn thế, ông xứng đáng được vinh danh như lá cờ đầu của văn học chống chủ nghĩa thực dân, không chỉ của Việt Nam mà của thế giới.
Nhưng tác phẩm lớn của ông phải được kể đến là Lục Vân Tiên - một tác phẩm được nhiều người ưa chuộng, nhất là quần chúng nhân dân Nam Bộ, bởi nó kích thích những tấm gương hy sinh quên mình vì nghĩa lớn.
"Chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử Việt Nam mà mật độ những tấm gương hy sinh quên mình vì nghĩa lớn, vì sự tồn vong dân tộc lại dày đặc đến như vậy. Lục Vân Tiên trở thành chứng tích văn học tiêu biểu nhất để lý giải điều đó" - GS Vương nói.
Với vai trò là chuyên gia giúp Bến Tre xây dựng hồ sơ Nguyễn Đình Chiểu trình lên UNESCO, GS.TS Nguyễn Chí Bền cho biết cụ Đồ Chiểu được quốc tế rất quan tâm, đến nay đã có khoảng 7 bản dịch tiếng Pháp của Lục Vân Tiên.
Ngoài ra, cuốn truyện thơ này còn có các bản dịch tiếng Anh và đã được chuyển ngữ sang tiếng Nhật, ra mắt độc giả Nhật Bản.
Năm 2020, NXB Thế Giới xuất bản cuốn sách mỏng Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất của ông Bền bằng tiếng Việt, Anh, Pháp; năm nay ĐH Khoa học tổng hợp của Nga cũng đã xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Nga. "Cụ Đồ Chiểu có uy tín quốc tế rất lớn" - ông Bền nói.
Không chỉ là một nhà thơ yêu nước, đứng đầu phong trào chống thực dân bảo vệ quê hương, một thi sĩ đã đặt người dân thường vào vị trí trung tâm của công cuộc bảo vệ đất nước, thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu còn để lại những triết lý sống cao đẹp, một tấm gương vượt qua nghịch cảnh, nêu cao đạo lý của người thầy thuốc.
Hoạt động vinh danh Nguyễn Đình Chiểu dịp 200 năm sinh của ông ngoài lễ kỷ niệm dự kiến được tổ chức ngày 1-7-2022 còn có cuộc trưng bày về cụ Đồ Chiểu tại Bến Tre và trưng bày ảo tại trụ sở UNESCO (Paris, Pháp); hội thảo khoa học quốc tế về thân thế và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu (dự kiến vào cuối tháng 6-2022).
Còn thiếu thông tin xác tín về nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Theo GS.TS Trần Ngọc Vương, Hồ Xuân Hương từ thân thế, sự nghiệp tới tác phẩm đều chưa xác định được rõ ràng.
Chùm thơ Nôm được cho là của Hồ Xuân Hương rất độc đáo, nhưng nó có thể là sản phẩm của tập thể. Nếu chứng minh được rõ ràng thân thế, sự nghiệp của Hồ Xuân Hương với những thông tin xác tín thì sẽ rất hay nhưng hiện nay thì không.
Trước hai thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các danh nhân Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An.
Thêm Xòe Thái là di sản phi vật thể đại diện nhân loại
Ông Mai Phan Dũng cho biết thêm ngoài lễ kỷ niệm với hai thi sĩ, hồ sơ Xòe Thái của Việt Nam (tỉnh Yên Bái) đã được cơ quan chuyên môn của UNESCO "chốt" là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, sẽ được thông qua chính thức tại cuộc họp đại hội đồng vào tháng 12 tới.
TTO - Lúc 16h35 (giờ Việt Nam) hôm nay 23-11, chủ tịch Đại hội đồng UNESCO đã chính thức gõ búa thông qua nghị quyết, theo đó UNESCO sẽ cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất của 2 thi sĩ Việt Nam là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu.
Xem thêm: mth.20343249042111202-mein-yk-ocsenu-coud-ueihc-hnid-neyugn-gnouh-naux-oh-is-iht/nv.ertiout