Diễu hành tại Philadelphia ngày 28-9-1918 - Ảnh: richlandsource.com
Virus có độc lực đặc biệt cao thuộc phân nhóm A (H1N1) với tên gọi "sát thủ vô hình" đã thổi bùng ba đợt dịch với tỉ lệ tử vong từ 2-4%.
Theo tạp chí Geo, số ca tử vong trong một năm dịch cúm lên đến khoảng 100 triệu người so với 19 triệu nạn nhân thiệt mạng trong chiến cuộc. Đặc điểm bất thường là những người từ 15-34 tuổi lại chiếm tỉ lệ tử vong cao.
Mọi virus cúm gây đại dịch hoặc cảnh báo dẫn đến đại dịch trong thế kỷ 20 đều có nguồn gốc từ virus cúm A (H1N1) năm 1918 sau nhiều lần tái tổ hợp phức tạp.
GS PATRICK BERCHE
Cách đối phó đại dịch cúm năm 1918
Đại dịch cúm bùng phát vào mùa thu năm 1918 vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ nhất đã kéo dài bốn năm. Khoa học ngày nay xác định những ca sốt dữ dội đầu tiên khởi phát từ một căn cứ quân sự của lực lượng viễn chinh Mỹ ở Kansas (Mỹ) vào tháng 3-1918.
Virus nhanh chóng lan khắp vùng Trung Tây sang đến bờ Đại Tây Dương, nơi các đơn vị Mỹ xuống tàu sang châu Âu. Không bao lâu cúm lan rộng tại các cảng và thủ đô các nước châu Âu. Tuy nhiên, các cơ quan y tế không tỏ ra lo lắng.
Đợt dịch thứ hai bùng phát vào tháng 8-1918 tại ba cảng Boston (Mỹ), Brest (Pháp) và Freetown (Sierra Leone). Các nước bị ảnh hưởng vẫn không hề nao núng. Các quan chức Mỹ không tin đây là đại dịch, vì vậy thông tin về các ca nhiễm rất ít.
Ngày 18-9, văn phòng Bộ Y tế Mỹ mới đưa ra khuyến cáo nhẹ nhàng đối với những người ho hoặc hắt hơi. 10 ngày sau, Philadelphia vẫn tổ chức diễu hành kêu gọi đóng góp vào nỗ lực chiến tranh với hơn 200.000 người tham gia. Mọi người vui vẻ bắt tay nhau, ôm hôn nhau. Mấy ngày sau, số ca nhiễm bùng phát.
Cuối cùng chính quyền mới có phản ứng đúng mực. Philadelphia - thành phố bị nhiễm nặng nhất nước Mỹ - ban hành chỉ thị đóng cửa trường học, nhà thờ, nhà hát và các địa điểm công cộng. Đường dây nóng Filbert 100 được thiết lập.
Lúc bấy giờ thiết bị chống dịch thiếu đủ thứ. Phần lớn y tá đã được điều động sang tuyến đầu châu Âu. Các bác sĩ không đủ chuyên môn chống dịch. Nhà xác không đủ quan tài nên thi hài phải chất đống tại nhà. Giá mai táng tăng vọt.
Chính quyền phải kêu gọi các tình nguyện viên giúp đào huyệt và tìm mua quan tài với giá cố định. Cuối tháng 10-1918, số người chết bắt đầu giảm. Các địa điểm công cộng mở cửa trở lại. Trong hơn một tháng, Philadelphia đã mất hơn 12.000 cư dân.
Bên kia Đại Tây Dương, dịch cúm ở châu Âu lan rộng theo lộ trình chuyển quân của quân đội Mỹ. Không gian tàu chiến chật hẹp đã trở thành ổ dịch lý tưởng. Nhà sử học Mỹ Alfred W. Crosby ước tính 40% binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ mắc cúm năm 1918.
Trong hai tháng cuối chiến tranh (tháng 10 và 11-1918), có 4.000 binh sĩ chết trên đường sang châu Âu. Chiến hào là nơi dịch bệnh phát tán thoải mái.
Đại dịch cúm lan ra toàn cầu. Tàu thuyền từ châu Âu đi châu Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và châu Đại Dương chở theo nhiều thủy thủ đã mắc cúm.
Bệnh cúm thường dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm màng phổi, sung huyết phổi. Lúc bấy giờ thuốc kháng sinh hoặc vắc xin chưa có nên các bác sĩ cho dùng thuốc quinine và dầu thầu dầu. Hai loại này dần dần trở thành của hiếm.
Tại Paris (Pháp), Bộ Tiếp phẩm mở kho cấp theo đơn 50.000 lít rượu rum vì rượu rum được xem là thuốc trị bệnh.
Báo chí đăng các bài báo khuyên nên rửa tay, đeo khẩu trang hoặc gạc có tẩm thuốc tẩy, luôn súc miệng, súc họng, xông mũi họng bằng nước nóng pha tí nước tẩy javel. Người dân xếp hàng dài trước cửa hàng chờ mua các loại thuốc được cho là "thần dược" trị cúm.
Chiến tranh kết thúc. Mọi người tụ tập ôm nhau mừng rỡ vô tình tạo cơ hội cho cúm lây lan. Đầu năm 1919, dịch bùng lên đợt ba tiếp tục cướp đi nhiều sinh mạng cho đến mùa xuân năm 1919.
Trong quá trình đàm phán về bồi thường chiến tranh và phân định biên giới tại Paris, một số nhà ngoại giao đã ra đi do cúm. Đầu tháng 4-1919, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson bỗng khàn tiếng, khó thở, ho giật, sốt trên 39°C và phải rời bàn đàm phán.
Năm 1957, hơn 150 binh sĩ Thụy Điển mắc cúm được điều trị trong bệnh viện dã chiến ở Luleå - Ảnh: the-scientist.com
Cúm châu Á, cúm Hong Kong và cúm Nga
Sau đại dịch cúm năm 1918-1919, virus cúm tiếp tục lưu hành với nhiều bí ẩn bởi lúc bấy giờ dữ liệu khoa học chưa đầy đủ. Vật chủ chính của virus cúm A (H1N1) là gia cầm, chim và đặc biệt là chim hoang dã rồi từ đó lây nhiễm sang heo và người. Trong quá trình lây nhiễm khác loài, virus đã biến đổi di truyền.
Từ năm 1918-1957, virus cúm A (H1N1) ở người là nguyên nhân chính gây bệnh cúm mùa thông thường, trừ vài năm ngoại lệ như năm 1946 và năm 1950 có hai biến thể virus mới với độc lực mạnh hơn.
Đến năm 1957, virus cúm A (H1N1) đột ngột biến mất và được thay thế bằng chủng mới A (H2N2) gây đại dịch cúm thứ hai trong thế kỷ 20.
Trong đại dịch cúm năm 1957-1958 (được gọi là "bệnh cúm châu Á"), khoảng 20% dân số thế giới mắc cúm với tỉ lệ tử vong 0,4%. Virus cúm A (H2N2) là chủng mới, vì vậy kháng thể sản sinh từ những lần nhiễm trước đó không thể đương cự hiệu quả.
10 năm sau, đại dịch cúm thứ ba bùng phát được gọi là "dịch cúm Hong Kong". Trong đại dịch cúm năm 1968-1969, virus A (H3N2) đã thay thế virus A (H2N2) với tỉ lệ tử vong thấp hơn một chút.
Đến năm 1977, đại dịch cúm thứ tư mang tên "dịch cúm Nga" xuất hiện với tỉ lệ tử vong không đáng kể. Thủ phạm là một chủng virus thuộc phân nhóm A (H1N1) đã biến mất vào năm 1957 bỗng bùng lên thành đại dịch từ Trung Quốc và Nga.
Giáo sư vi sinh vật học Patrick Berche tại Bệnh viện Necker ở Paris phân tích: "Điều kỳ lạ là virus cúm năm 1977 giống hệt về di truyền với virus cúm năm 1957.
Các nhà khoa học tin rằng đây là một loại virus đông lạnh ở đâu đó xuất hiện trở lại hoặc là virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm". Virus A (H1N1) năm 1977 không thể càn lướt thay thế virus A (H3N2) nên cả hai cùng lưu hành song song.
Trong thế kỷ 21 đã có một chủng virus mới thuộc phân nhóm A (H1N1) có nguồn gốc từ Mexico gây đại dịch vào năm 2009 với mức độ nghiêm trọng trung bình và kết thúc vào tháng 8-2010. Phân nhóm này đã thay thế virus A (H1N1) cũ nhưng virus A (H3N2) năm 1968-1969 vẫn tiếp tục lưu hành.
Lúc bấy giờ TS Anthony Fauci ở Viện Y tế quốc gia Mỹ giải thích trên tạp chí New England Journal of Medicine: "Virus H1N1 của đại dịch năm 2009 chính là hậu duệ đời thứ tư của virus cúm Tây Ban Nha năm 1918".
Trong tương lai, tình trạng đột biến gene thường xuyên ở virus cúm A sẽ tiếp tục tạo ra các biến thể mới. Không thể biết khi nào một biến thể virus cúm như vậy phát sinh và gây đại dịch tiếp theo.
Đại dịch cúm năm 1918-1919 được đặt tên là "cúm Tây Ban Nha" nhưng thật ra chẳng liên quan gì đến Tây Ban Nha.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Tây Ban Nha theo đường lối trung lập nên là quốc gia duy nhất công khai diễn biến dịch bệnh mà không cần áp dụng biện pháp kiểm duyệt thời chiến.
Ngược lại, các nước tham chiến không thể công bố số liệu chính xác vì không muốn tinh thần chiến đấu suy giảm và tiết lộ điểm yếu cho đối phương khai thác.
Vì vậy cái tên "cúm Tây Ban Nha" được báo chí Anh sử dụng nhiều và cứ thế lưu truyền. Ngay tại Tây Ban Nha, bệnh cúm được gọi là "người lính thành Napoli" để ám chỉ một vở kịch thời thượng lúc đó.
*****
Vì sao virus cúm năm 1918 có độc lực cao đặc biệt gây tử vong nhiều như thế? Để trả lời câu hỏi này, các thợ săn virus đã lên đường tìm kiếm virus cúm năm 1918.
>> Kỳ tới: Khôi phục chân dung sát thủ vô hình năm 1918
TTO - Cúm mùa và COVID-19 đều là bệnh nhiễm đường hô hấp. Nhân loại đang đối phó với COVID-19 mà nhiều người như quên rằng mỗi năm có đến 650.000 ca tử vong do cúm mùa hoành hành khắp thế giới.