Học sinh TP.HCM chúc mừng giáo viên nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo trong giáo dục con người, đào tạo nhân tài là mục tiêu mà tất cả các nước đều hướng tới, trong đó có Việt Nam.
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thì việc thúc đẩy, khuyến khích tư duy sáng tạo và tư duy phản biện của học sinh, sinh viên là điều tất yếu.
Khi nhận định về quan điểm "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo", tôi thấy không đúng bản chất vấn đề.
Phản biện và sáng tạo không phải một sớm một chiều đạt được ngay, cần có thời gian và đặt học sinh, sinh viên vào trung tâm để rèn giũa tri thức.
Nhưng giáo dục không chỉ giảng dạy tri thức mà còn giáo dục đạo đức hướng đến sự chân (chân thật), thiện (lương thiện), mỹ (cái đẹp). Hiểu sai về tư duy phản biện, tư duy sáng tạo sẽ khiến khả năng giao tiếp, đối nhân xử thế đi theo chiều hướng tiêu cực.
Khẩu hiệu trên cũng gắn liền với việc giáo dục đạo đức, văn hóa như lời dạy của Bác Hồ: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Lời dạy có tính thời đại và vẫn hoàn toàn đúng đắn trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế câu nói của Bác đã bao hàm khuyến khích việc học tập thật tốt, thật hăng say dựa trên nền tảng là một người sống và làm việc có đạo đức.
Hãy nhìn quanh các nước mà nền văn hóa - xã hội có những nét tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ thấy cái "lễ" vẫn luôn được xem trọng, được đặt lên hàng đầu trong giáo dục con người.
Những quốc gia này đều có nền kinh tế phát triển rất cao, đời sống giàu có thịnh vượng, khả năng tư duy và sáng tạo của con người được đánh giá rất cao ở tầm vóc quốc tế. Vì vậy, học về đạo đức trước theo quan điểm của khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn còn phù hợp.
Cái chúng ta cần phải thay đổi là chương trình giáo dục hiện nay còn chưa chú trọng vào giáo dục đạo đức theo hướng mở rộng và không có giáo điều. Cần lắm cách tiếp cận kiến thức cho "học sinh làm chủ cuộc chơi", không có kiểu "học vẹt", học không có động cơ, học không biết để làm gì…
Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" chính là nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện, thành công cả trong học tập và cuộc sống.
"Khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo"
Ngày 21-11, tại hội thảo giáo dục chủ đề 'Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT' do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) gây chú ý khi nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".
Và để có con người chủ động, theo GS: "Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’). Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".
Bạn có ý kiến gì về quan điểm "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo"?
Theo bạn, cần làm gì để học sinh phát huy tính phản biện, sáng tạo? Mời bạn gửi ý kiến về hộp thư: giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết, xin cảm ơn!
TTO - 'Tiên học lễ, hậu học văn không có gì sai cả. Không lẽ giờ học sinh gặp giáo viên, gặp người lớn không cần chào vì như vậy nó năng động hơn?'.