Hà Nội - “2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tôi bị thiệt hại gần 3 tỉ đồng, doanh thu giảm 60% so với trước đây” - một chủ phòng gym nói với phóng viên.
Thiệt hại chưa từng có
Qua nhiều lần cứ mở rồi lại đóng, anh Nguyễn Phúc Hưng (sinh năm 1982), chủ một chuỗi phòng thể hình ngao ngán khi nhắc về số tiền bị thiệt hại bởi dịch COVID-19.
Trước đó, từ năm 2013, anh Hưng bắt đầu mở chuỗi phòng tập của mình với 2 cơ sở tại quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình. Khi nhu cầu tập luyện của người dân ngày càng cao, anh Hưng từng giữ doanh thu hơn 1 tỉ đồng/tháng ở cả hai cơ sở trước khi có dịch.
Tuy nhiên, những tác động nặng nề của dịch bệnh đã khiến ngành chăm sóc sức khỏe - làm đẹp nói chung và nhiều ông chủ chuỗi phòng gym, chủ hãng spa nói riêng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Riêng chuỗi phòng tập của anh Phúc Hưng đã bị thiệt hại gần 3 tỉ đồng trong 2 năm qua. Chia sẻ với PV Lao Động, ông chủ phòng gym nói: “Để bù lỗ gần 3 tỉ đồng đó, tôi phải đi vay ngân hàng và sử dụng tiền tích lũy từ những năm trước để trả nợ.
Tuy trước đó tôi có duy trì kinh doanh bằng cách triển khai tập luyện online nhưng cũng chỉ đạt được hiệu quả khoảng 20 - 30% bởi tập gym cần không gian, thiết bị, không khí phòng tập mới cho được năng suất cao”.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Xuân Trường - chủ một phòng tập nằm trên đường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: “Gần 6 tháng trở lại đây, doanh thu phòng tập của tôi gần như bằng 0. Chưa kể mỗi tháng, tôi phải trả 150 triệu đồng tiền thuê mặt bằng cộng với số tiền hỗ trợ nhân viên khoảng 1-2 triệu đồng/tháng”.
Tìm cách phục hồi
Từ đầu tháng 11, các phòng tập gym tại Hà Nội đã được cho phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các cơ sở phải tuân thủ quy định theo hướng dẫn như giảm quy mô, công suất tối đa 50%, đảm bảo không quá 30 người trong cùng thời điểm hay các yêu cầu về vệ sinh, phòng COVID-19.
Đây cũng là thời điểm những phòng tập của anh Nguyễn Phúc Hưng rục rịch đón khách tập luyện sau chuỗi ngày dài tạm nghỉ.
Hiện tại, mới chỉ có một cơ sở được anh Hưng cho tái hoạt động. Với diện tích khoảng 400m2 với các phòng tập cá nhân, các cơ sở này đang duy trì đón khoảng vài chục khách rải rác từ 6h sáng đến 20h tối.
Còn cơ sở khác nằm trên đường Giảng Võ có diện tích 1000m2, anh Hưng vẫn đóng cửa do chưa đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch.
“Hơn nữa, nếu mở cửa trở lại ở cơ sở lớn, tôi vẫn bị thiệt hại nhiều vì khách ít, doanh thu không đủ trả lương cho nhân viên, thuê mặt bằng, điện nước… nên chưa dám mạo hiểm" - chủ phòng tập gym cho hay.
Bên cạnh đó, theo anh Hưng, ở cơ sở mở lại, các khách hàng nếu muốn tham gia tập luyện tại phòng tập, cần phải đáp ứng đủ các yêu cầu như: Khai báo y tế, khử khuẩn, tiêm đủ liều vaccine, đăng ký lịch tập theo ca…
Về phòng tập, công tác vệ sinh, lau dọn trang thiết bị tập luyện, phòng dịch vụ được thực hiện với tần suất gấp đôi so với trước kia. Lịch tập của hội viên được sắp xếp, chia theo các khung thời gian tập hợp lý để tránh tập trung nhiều người cùng một lúc.
Để kích thích khách hàng quay trở lại phòng tập, anh Hưng đã đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông và chương trình ưu đãi khách hàng mùa dịch như: Tặng voucher 99.000 đồng/buổi tập cùng huấn luyện viên, miễn phí thẻ tập hội viên, khuyến mãi gói tập riêng cùng chuyên gia,...
“Khi mở cửa trở lại, lượng khách của tôi giảm đáng kể do người dân vẫn có tâm lý e ngại. Tuy nhiên, với khoảng 20 khách/ngày, tôi vẫn đang cố gắng để phục hồi dần, từng bước khắc phục những thiệt hại” - anh Nguyễn Phúc Hưng nói.
Xem thêm: odl.212779-ial-ort-auc-om-ox-yaox-it-neit-iah-teiht-myg-gnohp-uhc/et-hnik/nv.gnodoal