vĐồng tin tức tài chính 365

Đã đến lúc cần có nghị định riêng về cho vay qua App

2021-11-24 15:03

Thực tế hiện nay nhiều người dân khi vay tiêu dùng qua các App không được biết chủ sở hữu thật sự của các App này là ai và lãi suất bao nhiêu %/năm. Trong khi nhiều cơ quan chức năng thừa nhận chưa có quy định riêng về cho vay qua App

Trả lãi suất 1.800%/năm

Giọng đầy bức xúc, anh Đ, một CN của Cty PouYuen Việt Nam (đề nghị không nêu tên thật) phản ánh với chúng tôi về câu chuyện mà anh phải trả lãi suất tính ra đến 1.800%/năm. Anh Đ, kể: Khoảng giữa tháng 7.2021, Cty PouYuen cho CN nghỉ để phòng, chống dịch COVID-19. Do cần tiền chi tiêu, anh lên mạng tìm hiểu và biết đến App V.L.H. Sau khi điền các thông tin theo hướng dẫn, anh ấn nút vay mức 30 triệu đồng. Do là lần đầu vay qua App, nên hệ thông báo lại anh Đ chỉ được duyệt vay thành công 1,5 triệu đồng.

Thấy số tiền ít so với nhu cầu, anh Đ tính bỏ qua, nhưng đến tối hôm đó, anh Đ tự nhiên thấy một khoản tiền 975.000 đồng chuyển vào tài khoản của mình. Ngay ngày hôm sau, anh gọi điện đến tổng đài nơi có tài khoản của anh và được biết tiền từ Ngân hàng W chuyển vào mà không có nội dung cũng như người chuyển khoản. Anh Đ tiếp tục gọi đến tổng đài của Ngân hàng W thì được biết số tiền được chuyển khoản theo yêu cầu của khách hàng, nhưng ngân hàng cương quyết không tiết lộ người yêu cầu chuyển khoản là ai.

Lo lắng, anh Đ nhắn tin vào nhóm facebook công nhân Cty PouYuen hỏi thì được cảnh báo coi chừng đã nhận tiền vay nặng lãi từ App. Sau đó, anh Đ liên hệ qua zalo với một người tự nhận là nhân viên của App V.L.H thì được xác nhận đây là số tiền từ App V.L.H đã chuyển cho anh vay và 7 ngày sau anh phải trả thành 1,5 triệu đồng; còn 525.000 đồng kia là tiền lãi và phí hồ sơ. Thấy số tiền phải trả lãi quá cao, anh Đ đề nghị được trả lại ngay khoản tiền 975.00 đồng trên thì được trả lời hồ sơ đăng ký vay đã thành công và đến gần ngày trả nợ sẽ có người nhắc nhở. Đúng 5 ngày sau, có người liên hệ nhắc anh Đ phải trả nợ đúng hạn, nếu không sẽ chịu lại quá hạn.

“Đến lúc này thì tôi mới biết mình đã bị sa vào bẫy cho vay nặng lãi của App V.L.H. Tôi thật sự rất hoang mang vì sợ bị khủng bố như những bài báo đã viết. Vì thế, dù khó khăn, tôi cố gắng vay bạn bè trả nợ đúng hạn để tránh bị lãi mẹ đẻ lãi con như bạn tôi đã gặp phải và phải bán nhà trả nợ” - anh Đ tâm sự. Theo tính toán của một chuyên gia tài chính, với 525.000 đồng phải trả trong 7 ngày, mỗi ngày anh Đ phải trả 75.000 đồng, tương ứng một tháng (30 ngày) là 2,25 triệu đồng. Với số lãi 2,25 triệu đồng này chia cho số tiền được duyệt vay 1,5 triệu đồng = 150%/tháng, tính ra bằng 1.800%/năm. Một con số khủng khiếp!

Anh Đ chỉ là một trong nhiều trường hợp vì khó khăn mà vô tình đã sa phải bẫy cho vay nặng lãi từ các App. Tháng 8.2021, Công an TPHCM đã cảnh báo về hiện tượng một số đối tượng thành lập các công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động cho vay qua ứng dụng di động nhằm thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Động thái trên đưa ra sau khi cơ quan chức năng triệt phá một đường dây cho vay nhanh qua App với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm.

Muốn hoạt động phải công khai chủ sở hữu, lãi suất và các khoản phí

Có một thực tế hiện nay là nhiều công ty tài chính cũng cho vay tiêu dùng thông qua các App theo hình thức tín chấp. Bên cạnh đó, một số đối tượng thành lập các công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động cho vay qua ứng dụng di động nhằm thu lợi bất chính.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM - hiện có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cho vay qua App theo phương thức P2P. Đây là một hoạt động cho vay theo phương thức mới, nhưng chưa có hành lang pháp lý, nhưng luật cũng không cấm hoạt động này.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng cho rằng, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành thì lĩnh vực cho vay qua App không thuộc sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Bởi chưa có quy định pháp luật nào trực tiếp được ban hành về vấn đề này. Khi có những quy định liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước mới đề cập đến công tác quản lý được.

Hiện nay, các công ty tài chính phải hoạt động theo quy định tại Thông tư 43/2016/TTT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước “Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính” (TT 43) và Thông tư 18/2019/TT-NHNH sửa đổi, bổ sung một số điều của TT 43. Theo TT 43, “Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định...”. Bằng quy định này, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát được mức lãi suất cho vay của công ty tài chính.

Trong khi đó, các App cho vay khác không phải là của công ty tài chính, thì về nguyên tắc sẽ là cho vay dân sự thông qua ứng dụng công nghệ và phải tuân theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, với mức lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm. Như vậy, với những trường hợp cho vay với lãi suất lên tới 1.600% hay 1.800%/năm như đã nêu trên đã đủ dấu hiệu cấu thành tội cho vay nặng lãi theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Nguyễn Hữu Học - Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng để quản lý hoạt động cho vay tín chấp qua App và đặc biệt để tránh tình trạng cho vay nặng lãi qua App, Chính phủ cần ban hành nghị định riêng quy định cho vay qua App là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Trong đó quy định bắt buộc các App cho vay tiêu dùng muốn được hoạt động phải đăng ký, niêm yết tên chủ sở hữu, trụ sở làm việc thực sự và công khai lãi suất, các khoản phí, để khi người dân có điều kiện chọn lựa khi muốn vay tiền, giới hạn các biện pháp đòi nợ. Có như thế, các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để dễ dàng quản lý, giám sát, truy trách nhiệm để tránh tình trạng người dân bị rơi vào bẫy cho vay nặng lãi và những người không liên quan đến khoản vay bị "khủng bố" đòi nợ.

"Pháp luật đã có quy định xử lý về tội làm nhục người khác và cho vay nặng lãi. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần truy đến tận cùng các chủ nhân thật sự của các App cho vay nặng lãi và đã "khủng bố" người vay, thậm chí người không vay như báo chí phản ánh và xử lý nghiêm theo pháp luật để răn đe các trường hợp khác" - luật sư Học kiến nghị.

Xem thêm: odl.330779-ppa-auq-yav-ohc-ev-gneir-hnid-ihgn-oc-nac-cul-ned-ad/taul-pahp/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags: vay qua app app

“Đã đến lúc cần có nghị định riêng về cho vay qua App”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools