Người dân phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) làm vệ sinh đường phố vào các buổi sáng chủ nhật
Chuyện ý thức trong xử lý rác thải sinh hoạt của người dân chúng ta đã là chủ đề muôn thuở, song chẳng bao giờ người ta giải quyết được tận gốc vấn đề. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo cá nhân tôi, cốt yếu nhất chính là yếu tố giáo dục ở gia đình và nhà trường, chứ đừng hét toáng lên đổ lỗi trách nhiệm này cho xã hội nữa.
Ngày còn nhỏ, nhà tôi lúc nào cũng sạch bóng vì bố mẹ rất ghét thói ăn dơ ở bẩn, sinh hoạt bừa bãi. Cái câu "nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm" của người xưa rất chuẩn, ít nhất trong nếp sống gia đình tôi. Thành ra, cái nếp sạch sẽ đó ăn sâu vào ý thức của anh em chúng tôi, không ai nhắc ai đều tự ý thức giữ nhà cửa và bản thân sạch sẽ nhất có thể.
Khi tôi bước chân vào đại học, đến Sài Gòn lập nghiệp thì những thói quen đã hình thành từ tấm bé không bỏ được, tôi duy trì như một phản xạ không điều kiện. Thức dậy vệ sinh cá nhân xong là vệ sinh nhà cửa. Tôi sống ở chung cư nên mình vì mọi người, mọi người sẽ vì mình.
Còn khi lên cơ quan, việc đầu tiên là quét dọn dù phòng máy lạnh không có bụi. Cảm giác lau chùi nơi mình ăn ở, sinh hoạt hay làm việc luôn có ý nghĩa tích cực đến cảm xúc sống và làm việc một cách nhiệt huyết hơn.
Tôi cũng rất khó chịu chuyện người ta vò giấy rác vứt bừa bãi. Tôi sẵn sàng tỏ rõ thái độ đó với người xung quanh, dĩ nhiên một cách nhã nhặn và kín đáo, để mọi người không mất lòng nhau.
Mỗi lần đi chơi lễ ngoài trời, ở nơi công cộng, tôi có thói quen thủ sẵn một bịch màu đen gấp gọn nhét trong túi. Lý do là đi chơi với bạn bè thì phải có ăn uống nhẹ, kiểu gì cũng sẽ có rác. Nếu là khu vực có thùng rác thì quá đơn giản, tuy nhiên một số nơi không có thì cái bịch nilông là cứu tinh.
Tôi thường bị nói là "ông cụ non" mỗi lần gom rác vào bịch, treo vất vưởng ở cổ xe rồi đi tìm xe rác để "thủ tiêu" chúng. Tôi kể những chuyện này không phải để khoe khoang mình là người sạch sẽ, cũng chẳng mong sẽ được tung hô.
Tôi chỉ muốn chứng minh mọi người thấy giáo dục chính là căn nguyên cơ bản nhất tạo dựng nên ý thức của con người. Trong đó những đứa bé sẽ nhìn trực diện, khách quan nhất ý thức và hành động của người lớn để học tập và làm theo.
Các vị không thể nào dạy được con cái khi đi đường nhận tờ rơi lúc đèn đỏ, khi đèn xanh thì vò vứt chúng xuống đường ngay trước mắt con mình. Hay chuyện đi ăn sáng ở vỉa hè, có sọt rác nhưng giấy hay đồ ăn thừa bị bỏ vô tư xuống lề, gầm bàn với lý do như thế tiện hơn, đỡ mất thời gian hơn.
Rồi cũng chẳng có đứa trẻ nào mong muốn thấy cảnh phụ huynh, anh chị dẫn chúng đi chơi lễ, đi dã ngoại nhưng sau bữa ăn, sau buổi đi chơi vui vẻ, hệ quả còn lại là núi rác chỏng chơ, phó mặc cho công nhân vệ sinh môi trường. Hãy nhìn cách người Nhật Bản đi chơi ở đâu khi ra về mọi thứ sạch tinh tươm để hiểu rằng vì sao đất nước họ giàu có, mạnh khỏe và khiến thế giới phải ngước nhìn, nể sợ. Tất cả đều có lý do hết đấy thôi.
Một xã hội có văn hóa, văn minh bắt nguồn từ ý thức mà đứa trẻ ghi nhận qua mắt thấy tai nghe lúc còn ấu thơ đến tuổi trưởng thành. Hãy đưa câu chuyện rác vào giáo dục trên học đường, giảng đường, trong những bữa cơm, trong các buổi đi chơi hội hè... Đó là điều ai cũng có thể làm được mà hiệu quả thật không ngờ, tôi tin thế.
Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: baoky@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".
TTO - Sau giờ làm việc, các công nhân môi trường đến gõ cửa từng nhà tại khu chung cư Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) vận động người dân phân loại rác tại nguồn, đổi rác tái chế lấy nhu yếu phẩm.
Xem thêm: mth.15094200152111202-gnoug-mal-iahp-nol-iougn-gnos-iot-ion-gnourt-iom-nad-neid/nv.ertiout