Hiện nay, trạm y tế lưu động được đặt tại chợ Đồng Xuân có 6 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ phụ trách trạm. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, trạm được trang bị để có thể phục vụ khám, điều trị cho từ 50 đến 100 ca bệnh F0.
Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, ngoài các trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế theo quy định, trạm cũng được trang bị bình oxy; bộ test nhanh, bộ dụng cụ lấy mẫu và môi trường RT-PCR… nhằm theo dõi và phát hiện sớm bệnh nhân F0 có triệu chứng nặng để chuyển tuyến trên.
Tương tự, ở huyện Hoài Đức, 1 trạm y tế lưu động cũng được lập trong khuôn viên của trường THCS xã Tiền Yên, để làm nơi thu dung và điều trị F0. Ngôi trường vừa mới được xây dựng, nên cơ sở ở đây khá trang trang.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội dự kiến lập 508 trạm y tế lưu động; 30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án lập trạm, phân công nhân sự phụ trách. Nhiệm vụ các trạm y tế lưu động ngoài quản lý, theo dõi F0 tại nhà và cộng đồng còn khám, điều trị, cấp phát thuốc cho người mắc các bệnh khác...
Toàn bộ cơ sở sẽ được giám sát qua camera an ninh.
Hệ thống bình nóng lạnh cũng được lắp đặt, phục vụ cho bệnh nhân trong những ngày mùa đông giá rét.
Đại diện Phòng Y tế huyện Hoài Đức cho biết, trạm y tế lưu động này có sức thu dung tối đa khoảng 300 bệnh nhân F0 COVID-19.
Nhiệm vụ của trạm là thu dung, khám, điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng tại huyện Hoài Đức. Đồng thời phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.