2023 là năm thứ 30, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của tuổi trẻ TP.HCM được thực hiện, kết nối hàng triệu trái tim trẻ chung tay vì cộng đồng, xốc vai vào những phần việc thực tiễn đang đặt ra.
Năm 1994, lễ ra quân chiến dịch tình nguyện Ánh sáng văn hóa hè cấp thành lần đầu tiên được tổ chức tại tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1), tạo ra sức lan tỏa lớn trong phong trào tình nguyện của thanh niên, sinh viên thành phố đến với cộng đồng, xã hội.
Năm 2023, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè do Thành Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ chức cũng đã xuất quân ngay tại tuyến đường Phạm Ngọc Thạch.
Những năm 1992, 1993, hoạt động Ánh sáng văn hóa hè được Đoàn Trường đại học Sư phạm TP.HCM khởi xướng đã đến những xã vùng sâu vùng xa của các huyện ngoại thành xóa mù chữ cho bà con. Lúc bấy giờ, còn nhiều người dân vẫn chưa biết đọc, biết viết, nên những thầy cô giáo tương lai mang nhiệt huyết đến với những lớp học dạy chữ cho bà con. Ánh đèn dầu ở những lớp xóa mù chữ thắp sáng tri thức tương lai.
Các học viên học tập trong chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994 tại ấp 7, Phạm Văn Hai - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG
Đến năm 1994, Thành Đoàn TP.HCM nâng tầm hoạt động Ánh sáng văn hóa hè của Trường đại học Sư phạm TP trở thành chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè cấp thành, huy động nhiều sinh viên các trường khác cùng tham gia. Mặt trận cũng mở rộng hơn, nhiều người dân được tiếp cận với con chữ.
Những khó khăn từ đường đi đến đời sống vật chất nơi ngoại thành cũng không chùn chân những chiến sĩ tình nguyện xóa mù chữ. Không chỉ dừng lại việc dạy học xóa mù, các sinh viên còn tổ chức sinh hoạt thiếu nhi, tạo sân chơi, hướng dẫn thiếu nhi nhiều nội dung khác. Dần dần còn nói chuyện về kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới…
Chị Ngô Thanh Chung - nguyên giám đốc Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, từng là cán bộ Thành Đoàn - cho biết năm 1997, trong cuộc họp gồm có bảy thành viên, bí thư Thành Đoàn lúc bấy giờ là anh Nguyễn Thành Phong đã bàn về các hoạt động tình nguyện của sinh viên, thanh niên thành phố.
Anh Lê Xuân Sinh - từng là chiến sĩ Ánh sáng văn hóa hè và chỉ huy đội hình của Trường đại học Mở TP.HCM đi huyện Cần Giờ (TP.HCM) năm 1996 - cũng nhớ lại năm 1995, khi đang là sinh viên năm hai đi giao báo vào sáng sớm ngang qua tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1 bắt gặp lúc các chiến sĩ Ánh sáng văn hóa hè ra quân.
Năm 1997 Mùa hè xanh bắt đầu thực hiện nhiều nội dung, phần việc gắn với nhu cầu thực tế của xã hội. Mặt trận tình nguyện dần mở rộng ra các tỉnh thành miền Tây, Tây Nguyên và miền Trung. Đội hình chuyên phát huy chuyên môn của sinh viên từng trường cũng hình thành như đội hình xây dựng cầu đường, đội hình dạy tin học, đội hình tư vấn kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, đội hình văn nghệ xung kích…
Mặt trận đường Hồ Chí Minh, con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cũng in dấu chân tình nguyện của các chiến sĩ Mùa hè xanh thành phố Bác. Cô sinh viên năm thứ ba Nguyễn Thị Thanh Hằng đã tham gia mặt trận đường Hồ Chí Minh vào năm 2001. Hằng là một trong ba chiến sĩ nữ trong đội hình khuân vác đá cùng góp sức trên con đường huyền thoại.
Ngoài chiến dịch Mùa hè xanh khơi sức sinh viên tình nguyện, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM mong muốn phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ thành phố, gắn với từng đối tượng thanh niên công nhân, lực lượng vũ trang, học sinh trung học phổ thông…
Từ đó chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng gắn với khu vực công nhân lao động ra đời cho đến nay là lần thứ 22 thực hiện.
Chiến dịch tình nguyện Hành quân xanh dành cho khu vực lực lượng vũ trang cũng ra đời và năm nay là lần thứ 17 chiến dịch diễn ra.
Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ dành cho học sinh trung học phổ thông diễn ra năm nay là lần thứ 18. Chương trình "Tiếp sức mùa thi" đã là lần thứ 27 và chương trình "Gia sư áo xanh" là lần thứ 12.
Một lễ ra quân chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng lần 9 (năm 2010) tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM. Gần 5.000 công nhân, viên chức tham gia chiến dịch - Ảnh: MINH ĐỨC
Những công trình, phần việc được xác lập gắn với chuyên môn của từng đối tượng phục vụ cộng đồng, giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở các địa phương. Như những năm 2000, chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh đến với các buôn làng Tây Nguyên.
Biết bà con đồng bào dân tộc còn phải đi xa để lấy nước về buôn làng, những đội hình chuyên của sinh viên ngành môi trường đã hỗ trợ cùng xây dựng những bể lọc nước, đặt hệ thống ống dẫn đưa từng giọt nước trên núi, hoặc đào giếng giúp các buôn làng có cây nước để sinh hoạt.
Ở các buôn làng, trẻ con cũng được dạy cho cách tắm rửa, vệ sinh cá nhân, bà con đồng bào cũng được hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả hơn. Biết cách gìn giữ vệ sinh môi trường, không sống cùng vật nuôi…
Các bạn sinh viên tình nguyện hướng dẫn các em thiếu nhi chơi trò chơi trong “Ngày hội tuổi thơ”, do các chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Ngân hàng TP.HCM phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức tại huyện Đắk Glong, Đắk Nông, ngày 4-8-2009 - Ảnh: THUẬN THẮNG
Xuôi về các tỉnh miền Tây, những công trình đường giao thông nông thôn, những cây cầu, mái nhà tình bạn được đội hình chuyên đa phần là sinh viên khối công trình xây dựng đảm nhiệm.
Những đội hình là bạn trẻ công nhân, lực lượng vũ trang phối hợp hỗ trợ các đội hình sinh viên, học sinh để thực hiện nhiều công trình.
Riêng chiến dịch Mùa hè xanh cũng dần hình thành sự gắn bó với mặt trận của các trường đóng quân nhiều năm để giúp bà con được nhiều hơn. Giúp địa phương thay da đổi thịt mới tiếp tục thực hiện ở mặt trận tỉnh khác.
Công trình thắp sáng cột cờ Tổ quốc tại đảo Phú Quý của các chiến sĩ tình nguyện TP.HCM trong hè năm 2023 - Ảnh: C.K.
Không chỉ tình nguyện tại đất liền, mặt trận đảo được tuổi trẻ thành phố đưa quân ra hỗ trợ như đảo Thổ Chu (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận). Những hệ thống điện, sân chơi thiếu nhi, thư viện, phòng máy vi tính và cả những nội dung tập huấn chuyên đề làm kinh tế biển, nuôi trồng thủy hải sinh… hỗ trợ bà con nhân dân bám biển, phát triển.
Dù trong điều kiện thiên nhiên khó khăn hơn trong đất liền nhưng các chiến sĩ tình nguyện đã tìm cách để lắp đặt hệ thống điện năng lượng Mặt trời đáp ứng giải pháp hạn chế ảnh hưởng của bão táp, xâm lấn của nước biển…
Năm 2004, Thành Đoàn TP.HCM chính thức ra quân chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Trong gần một tháng, 40 thanh niên đến từ nhiều lĩnh vực như bác sĩ, sinh viên, giảng viên đã chung tay thực hiện nhiều công trình khuyến nông, phổ cập tin học, tập huấn kỹ năng công tác thanh niên, sửa chữa nhà, khám phát thuốc… cho người dân tại tỉnh Champasak và thành phố Vientiane. Rồi sau đó, cũng có mùa hè đội hình tình nguyện của thành phố sang hỗ trợ người dân nước bạn Campuchia.
Các bạn sinh viên tình nguyện thành phố Hồ Chí Minh tại lễ ra quân chiến dịch Mùa hè xanh 2010 - Ảnh: MINH ĐỨC . Ảnh phải: Một chuyến khám bệnh của các bác sĩ trẻ TP.HCM tại tỉnh Attapeu (Lào) trong chiến dịch Kỳ nghỉ hồng do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức - Ảnh: PHI LONG
Năm 2011, đội hình thanh niên tình nguyện quốc tế đầu tiên bắt đầu tham gia các mặt trận tình nguyện Mùa hè xanh tại Việt Nam, mang lại nhiều trải nghiệm ý nghĩa cho sinh viên thành phố và cả các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tính đến năm 2019, các chiến dịch tình nguyện hè tại TP.HCM đã chào đón hơn 1.000 lượt sinh viên tình nguyện quốc tế. Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nhiều hoạt động, trong đó có việc đón tình nguyện viên quốc tế sang tham gia các chiến dịch.
Kỹ sư Đặng Văn Tới hướng dẫn bà con bản Vặt Luống, huyện Saxetha (Attapư, Lào) kỹ thuật chăm sóc lúa trong một đợt hoạt động tình nguyện năm 2008 - Ảnh: Tư liệu TUỔI TRẺ
Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn và thích ứng tích cực với tình hình mới, năm 2022, Thành Đoàn TP.HCM tiếp tục đón 71 sinh viên Malaysia đến tham gia tình nguyện, mở đầu giai đoạn tiếp tục phát triển của công tác tình nguyện quốc tế hậu đại dịch.
Thanh niên Việt Nam và Campuchia thể hiện sự chung tay xây đắp tình hữu nghị giữa hai nước tại buổi tọa đàm sáng 24-8-2012 diễn ra tại TP.HCM, do Trung ương Đoàn tổ chức - Ảnh: MINH ĐỨC
Năm 2023, hoạt động của các tình nguyện viên quốc tế tiếp tục sôi nổi trên địa bàn thành phố với sự tham gia của các bạn sinh viên đến từ Anh Quốc, Singapore; gần 60 thanh niên kiều bào và hơn 70 sinh viên Myanmar, Pháp, Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM.
Qua những hoạt động từ các chiến dịch tình nguyện, nhiều bạn trẻ đã được đặt vào những môi trường để rèn luyện các kỹ năng và chuyên môn, đồng thời có dịp mở rộng kết nối.
300 chiến sĩ Hoa phượng đỏ đến từ các trường THPT các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân và Thủ Đức đã có những trải nghiệm làm nông dân tại P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM - Trong ảnh: Ra đồng từ sớm tinh sương (năm 2011) Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Đã tham gia cả ba chiến dịch Hoa phượng đỏ, Mùa hè xanh và Kỳ nghỉ hồng, Trần Thị Thanh Thủy - đoàn viên Chi đoàn CS1, Đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - cho biết đây là những môi trường giúp cô học được cách sống trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội, không ngại khó khăn, gian khổ khi giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Còn với Nguyễn Văn Đông, đoàn viên Chi đoàn cơ sở Công ty Điện lực Chợ Lớn, dù mới vào làm từ năm 2020 và bị gián đoạn các hoạt động tình nguyện do dịch COVID-19, hai năm gần đây, anh vẫn tham gia chiến dịch Kỳ nghỉ hồng cùng đơn vị.
Hình ảnh trước và sau khi các chiến sĩ tình nguyện "biến" bãi rác sình lầy thành sân chơi cho trẻ em ở xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) - Ảnh: KIM ANH
Vừa qua, anh cùng đồng đội xuống huyện Cần Giờ tham dự lễ khánh thành công trình ngầm hóa điện toàn phần tại xã đảo Thạnh An. "Quá trình ngầm hóa rất khó khăn vì Thạnh An là xã đảo, mọi hoạt động tách biệt với đất liền nên đội thi công phải thuê tàu để vận chuyển các vật dụng như tủ điện, dây cáp… Đây là công trình mất nhiều năm để hoàn thành", anh chia sẻ.
Qua chương trình, anh cũng học được kỹ năng giao tiếp, cách làm việc và tinh thần trách nhiệm.
Trong ấn tượng nhiều bạn trẻ đã tham gia các đợt chiến dịch tình nguyện thì điểm nổi bật nhất của các chiến dịch do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức chính là các giá trị mang lại cho cộng đồng, sức ảnh hưởng và lan tỏa của các hoạt động.
Là những người trẻ với trái tim đang căng đầy sức sống, họ nói mình cảm thấy hạnh phúc khi được đóng góp, nhìn thấy những nỗ lực của mình đã góp phần mang về ánh sáng nơi vùng sâu vùng xa, mang những phần quà cho bà con nghèo, hay trao học bổng khuyến học và tổ chức sân chơi cho các em nhỏ…
Phòng máy tính được nối mạng miễn phí và thư viện với hơn 500 đầu sách của xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã được đưa vào hoạt động sáng 28-7-2012. Trong ảnh: Chiến sĩ Mùa hè xanh giảng dạy cho các em tại lớp phổ cập tin học - Ảnh: NGỌC TRƯỜNG
30 năm các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè đã kết nối hàng triệu trái tim trẻ chung nhịp đập, góp sức vì sự đổi thay của cộng đồng ngày càng tươi đẹp hơn.
Chính những ngày tháng cùng nhau "lên rừng, xuống biển" làm tình nguyện đã tạo nên cảm xúc thế hệ mỗi khi các cựu chiến sĩ tình nguyện gặp lại nhau, cùng trở về mặt trận xưa.
Không khí hừng hực, tinh thần tình nguyện vẫn như mạch nguồn được các bạn trẻ tiếp nối thực hiện. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước. Như lời bài hát sôi nổi của tuổi trẻ "Khi Tổ quốc cần, thanh niên hành động" là vậy…
Xem thêm: mth.1791023220803202-neyugn-hnitnein-hnaht-mit-iart-ueirt-gnah-ion-tek-mch-pt-man-03/nv.ertiout