Cảng Cát Lái cần trút bớt "gánh nặng"
Vào đầu tháng 8/2021, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, sau hơn 3 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, số lượt xe container ra, vào cảng Cát Lái kéo, nhận hàng hóa liên tục giảm so với thời điểm chưa giãn cách, kéo theo số lượng container tồn bãi tại cảng tăng cao.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng sớm giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với các cảng biển lớn, trong đó có cảng Cát Lái để có giải pháp nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa. Theo đó, một trong số giải pháp được đề xuất từ Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là những doanh nghiệp trên thông báo cho các khách hàng có phương án bốc dỡ hàng tại Cái Mép, thay vì đưa về Cát Lái, đồng thời điều chỉnh cảng đích từ cảng Cát Lái về cảng Cái Mép.
Cảng Cát Lái có sản lượng hàng hóa lớn nhất nhưng nằm trong đô thị nên khả năng phát triển bị hạn chế, gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổ chức giao thông khu vực. Thực tế cho thấy, hạ tầng các khu vực cảng biển của TP.HCM thường xuyên quá tải, gây ùn tắc giao thông, tăng chi phí logistics.
Trước tình hình đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung cao độ và các biện pháp phát triển nhanh hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, cạnh tranh cao hơn nữa để đưa hệ thống cảng biển và logistics tại Bà Rịa – Vũng Tàu mà trước hết là khu vực Cái Mép – Thị Vải ngang tầm khu vực vào năm 2030 và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045.
Theo TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT cho biết: "Trước đây, hàng hóa chủ yếu qua cảng Sài Gòn thì hiện nay tỉ lệ 60% qua cảng Sài Gòn và 40% qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Năm 2020, khối lượng hàng container thông qua cảng biển Cái Mép - Thị Vải đạt 7,5 triệu TEU. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 113 triệu tấn, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam." (trích Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh).
Cảng Cái Mép – Thị Vải: "Siêu cảng" vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng biển Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ quốc tế của cả khu vực. Với vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Nam, cảng Cái Mép-Thị Vải được quy hoạch với công suất 7triệu TEU/năm.
Cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tương lai cụm cảng sẽ đón tàu trọng tải đến 250.000 tấn
Minh chứng thực tế, cho thấy sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh hằng năm, với trung bình từ 10-15%. Cái Mép - Thị Vải được đánh giá là một trong những khu vực cảng phát triển nhanh trên bản đồ hàng hải thế giới. Và là một trong 21 cảng của thế giới tiếp nhận tàu container trọng tải lên đến trên 200.000 tấn. Có thể khẳng định Cái Mép - Thị Vải là một trong những trung tâm phát triển của vùng.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để triển khai đầu tư các dự án hạ tầng đẩy mạnh liên kết vùng gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường vành đai 4. Đây là các dự án sẽ giảm tải cho quốc lộ 51, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Long Thành về TP.HCM và các địa phương khác. Từ đó phát huy, khai thác hết lợi thế, tiềm năng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Một khi hạ tầng giao thông đồng bộ, Phú Mỹ là nơi thông quan hàng hóa trung chuyển nội địa tại cảng Cái Mép – Thị Vải
Đến nay, ba dự án đã được bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; triển khai quyết liệt từ 2022-2026. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện hai dự án là đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh và cầu Phước An. Với dự án cầu Phước An, dự kiến khởi công xây dựng từ quý 3/2022. Mới đây, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi tỉnh Đồng Nai để thống nhất, đề nghị hỗ trợ một số nội dung khi thi công…
Song song đó, tỉnh cũng đầu tư tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, 991B, Phước Hòa - Cái Mép… kết nối các cảng, KCN vào hệ thống giao thông chung; nhiều đường đô thị, liên huyện cũng được đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với các dự án giao thông liên vùng.
Thủ tướng cũng đề nghị quy hoạch thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu để tạo điều kiện hình thành những trung tâm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm giao thương tạo điều kiện kết nối giữa cảng biển và các dịch vụ này. Cùng với đó là phát triển công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất công nghệ cao để hình thành trung tâm chế xuất của Bà Rịa - Vũng Tàu; liên kết với khu vực Long An, Bình Dương, Đồng Nai để tạo nền tảng cho phát triển khu vực cảng.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.80860346152111202-man-aihp-et-hnik-nen-auc-meid-mat-iav-iht-pem-iac-et-couq-gnac/nv.zibefac