Ngày 27/11/2020, cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin Tony Hsieh - cựu CEO Zappos qua đời ở tuổi 46. Nguyên nhân Tony qua đời là do những vết thương từ một vụ cháy nhà.
"Thế giới đã mất đi một con người với tầm nhìn xa trông rộng đáng kinh ngạc"
"Thế giới đã mất đi một con người với tầm nhìn xa trông rộng đáng kinh ngạc. Chúng tôi nhận ra rằng không chỉ chúng tôi mất đi một người lãnh đạo cũ đầy cảm hứng mà nhiều người trong số các bạn cũng đã mất đi một người cố vấn, một người bạn", CEO Zappos là Kedar Deshpande bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của Tony thời điểm đó.
Max Levchin - nhà đồng sáng lập và là cựu giám đốc công nghệ PayPal viết: "Anh ấy là một nhà tư tưởng thực sự, một doanh nhân xuất sắc và là một người bạn tốt bụng, hào phóng với rất nhiều người".
Biệt danh "triệu phú bán giày" đến với Tony Hsieh kể từ khi ông trở thành giám đốc điều hành của hãng bán lẻ trực tuyến giày và quần áo lớn nhất thế giới - Zappos.
Rượu, ma tuý và những hành vi cực đoan kỳ dị
Sự ra đi của Tony Hsieh đã để lại sự tiếc nuối trong lòng nhiều người hâm mộ. Đáng chú ý sau đó vài tuần, tờ WSJ đã có một vài tiết lộ gây sốc về đời tư của ông. Nguồn tin mà WSJ thu thập được từ bạn bè của Tony cho thấy, ông đã gặp rắc rối trong suốt 6 tháng trước khi qua đời.
Tháng 8/2020, ông đã rời vị trí CEO Zappos - nơi đã giúp ông đến với đỉnh cao của thành công và nổi tiếng.
Trước đây, Hsieh vốn thường xuyên nói rằng tiệc tùng đóng vai trò trung tâm trong công việc và cuộc sống của ông. Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu và buộc phải cô lập do đại dịch, Hsieh bắt đầu uống rượu nhiều hơn. Một vài người thân thiết với ông cho biết, Hsieh cũng bắt đầu tìm đến các loại ma túy như nấm và thuốc lắc.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong sự thay đổi sang hành vi ngày càng cực đoan của Hsieh. Một số bạn bè cho biết, niềm đam mê với lửa của Hsieh thời gian gần đây cũng càng trở nên mãnh liệt. Đại lý bất động sản bán cho ông dinh thự ở Park City cho biết khi họ ghé thăm ngôi nhà để lấy đồ thì thấy có 1.000 cây nến trong đó.
Hsieh cũng trở nên đam mê với việc nỗ lực tìm ra xem cơ thể của ông sẽ ra sao nếu thiếu đi các điều kiện sống. Ông bắt đầu bỏ đói bản thân, cân nặng giảm xuống chỉ còn dưới 100 pound (khoảng hơn 45kg), cố gắng không đi tiểu, thở bằng oxit nitơ thay vì khí oxy.
Hsieh cũng dần xa cách với những người bạn lâu năm và gia đình ở San Francisco, Las Vegas và thay vào đó ông luôn đi cùng một nhóm người mới thỏa mãn theo những hành vi mới kỳ dị của ông. Được biết, nhóm người mới này gồm cả một vài cựu nhân viên Zappos, chuyển tới Park City để sống cùng Hsieh và hưởng lương nhờ việc đó.
"Mọi thứ xung quanh dần sụp đổ với ông ấy", Plastina - thành viên sáng lập một ban nhạc điện tử thường xuyên tới trình diễn trong các bữa tiệc của Hsieh nói.Tuy nhiên, dường như không có dấu hiệu cho thấy Hsieh biết ông đang gặp rắc rối. Chỉ 1 ngày trước khi xảy ra vụ cháy, ông vẫn lên kế hoạch kiểm tra một bệnh viện phục hồi chức năng tại Hawaii.
Hsieh có thời điểm nói rằng ông sẽ tới một nhà kho và yêu cầu mọi người kiểm tra ông sau mỗi 5 phút. Tại đó, người thân của Hsieh cho biết ông sử dụng máy sưởi trong nhà khi kín mít để giảm lượng oxy.
Trong một buổi tiệc mừng năm mới tại căn nhà của mình ở San Francisco, Hsieh đã thuê một chiếc máy tạo sương mù có thể kích hoạt hệ thống chuông báo cháy. 2 xe cứu hỏa xuất hiện và sau đó ông đã phải xin lỗi vì vụ việc này.
Những buổi tiệc rượu bắt đầu thường xuyên hơn ở công ty và ở cả nhà của Hsieh tại San Francisco và sau này là ở Las Vegas và Park City.
"Sau cùng, hạnh phúc thực sự chính là tận hưởng cuộc sống"
Hsieh viết trong cuốn sách nổi tiếng của mình "Delivering Happiness" rằng việc uống rượu vodka Grey Goose đã trở thành truyền thống của công ty. Còn trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Playboy, ông nói rằng đã viết cuốn sách nhờ việc ngâm cà phê trong vodka. Một vài người bạn nói rằng ông có thời gian ám ảnh với loại rượu Fernet của Ý.
"Sau cùng, hạnh phúc thực sự chính là tận hưởng cuộc sống", ông viết trong cuốn sách vào năm 2010.
Hsieh cũng từng viết rằng văn hóa ở Zappos tất cả chỉ là theo đuổi sự vui vẻ. "Khi cần tiệc tùng, hãy tiệc tùng. Khi cần sản xuất, hãy sản xuất".
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Zappos nói rằng công ty "cam kết cải thiện môi trường làm việc an toàn, vui vẻ cho tất cả các nhân viên. Để làm được điều đó, tất cả nhân viên được yêu cầu phải xem xét bộ Quy tắc ứng xử bao gồm những chỉ dẫn về cách làm việc nhóm và chức năng của công ty".
Theo Tiến sỹ Guadagnoli, Hsieh cũng đã tự mình thực hiện các thử nghiệm như giới hạn giấc ngủ chỉ 4 giờ một ngày và leo lên 3 đỉnh núi cao nhất tại Southern California trong 1 ngày.
Ông cũng đã tiến hành thử thách ăn kiêng 26 ngày, chỉ ăn các thực phẩm có bắt đầu bằng chữ cái "A" trong ngày đầu tiên và cứ thế những ngày tiếp theo sẽ là những chữ cái tiếp theo. Một vài chữ cái được bỏ qua. Ngày cuối cùng là chữ cái "Z" cũng là ngày gần như nhịn ăn.
Năm 1999, Hsieh phát hiện ra sự thích thú với "nền văn hóa rave" (diễn tả sự thả hồn và feeling theo những giai điệu cuồng nhiệt phát ra từ các thiết bị điện tử và dưới tay chơi của các phù thủy âm nhạc. Những người tham gia gọi là raver) trong một nhà kho.
"Là một người thường được biết đến là người hợp lý và logic nhất trong một nhóm, tôi đã rất ngạc nhiên khi cảm thấy mình bị cuốn theo một cảm giác tâm linh bao trùm," ông viết trong cuốn sách của mình. "Như thể sự tồn tại của ý thức cá nhân đã biến mất và được thay thế bằng một ý thức nhóm thống nhất duy nhất".
Kể từ đó, Hsieh thường xuyên tham gia lễ hội ca nhạc Burning Man tại Nevada. Tại một sự kiện hàng năm, Hsieh xem buổi biểu diễn của nhóm nhạc có tên Dancetronauts. Ông cảm thấy thích thú với nhóm này và để nhóm trình diễn thường xuyên hơn tại các chợ nghệ thật và những bữa tiệc của Hsieh.
Một người bạn tiết lộ Hsieh vốn không thoải mái với tình trạng ít người và đại dịch khiến cuộc sống xã hội của ông càng giới hạn hơn và đó là nguyên nhân khiến ông càng chìm vào rượu và ma tuý. Chưa kể đến việc nếu như ở Las Vegas, tại Zappos, Hsieh luôn có một nhóm bạn có thể ngăn ông khi nghe về những kế hoạch không hiệu quả. Còn khi đã nghỉ hưu và đến ở Park City, vây quanh ông chỉ là những người luôn nói với ông "vâng" với mọi thứ.
Sau khi một nhà trị liệu khuyên nên làm "cai nghiện kỹ thuật số" vào mùa xuân này, Hsieh bắt đầu xa cách hơn nữa với những người bạn lâu năm của mình. Khi gọi facetime với ông vào đầu tháng 7/2020, một người bạn nói rằng "ông ấy nhìn không được tốt lắm".
Tháng 8/2020, cha ông, em trai và 6 người bạn lên kế hoạch giúp Hsieh. Cùng tháng này, Hsieh nghỉ việc tại Zappos. Một vài người như Plastina nói họ không thể gọi cho ông vào tuần cuối cùng trong cuộc đời.
Ngày 18/11/2020, xe cứu hỏa réo còi inh ỏi tới một căn nhà 3 tầng ở New London vào lúc 3h34 phút sáng. Một nhân viên cấp cứu nói rằng có 1 người đàn ông "bị mắc kẹt bên trong". Một vài người khác thì nói "người đàn ông đã lập rào chắn bên trong".
Trong một mô tả khác thì viết: "Người đàn ông không chịu mở cửa. Mọi người đều đang ở ngoài. Họ cố gắng gọi để ông ta mở cửa".
9 ngày sau đó, Hsieh qua đời do biến chứng của ngạt khói.
Nguồn: Bloomberg, CNN
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị