Tờ Bloomberg đưa tin, một số nguồn tin thân cận cho biết, các nhà quản lý Trung Quốc đã yêu cầu các giám đốc điều hành hàng đầu của Didi Global đưa ra kế hoạch hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch của Mỹ. Đây là một yêu cầu chưa từng có và nó làm dấy lên lo ngại về ý định của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ khổng lồ của họ.
Các nguồn tin nói rằng, cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc muốn ban lãnh đạo Didi huỷ niêm yết khỏi Sàn giao dịch chứng khoán New York vì lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Theo đó, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh dữ liệu tại nước này, đã chỉ đạo Didi làm việc chi tiết chính xác, tùy thuộc vào sự chấp thuận của chính phủ.
Các đề xuất đang được xem xét bao gồm tư nhân hóa trực tiếp hoặc chuyển sang sàn Hồng Kông, sau đó là hủy niêm yết khỏi Mỹ. Những người này cho biết, nếu quá trình tư nhân hóa được tiến hành, đề xuất có thể sẽ là mức giá khi IPO là 14 USD. Tuy nhiên nếu như vậy có thể dẫn đến các vụ kiện hoặc sự phản đối của cổ đông. Còn với khả năng thực hiện kế hoạch niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông, giá IPO có thể sẽ ít hơn mức giá cổ phiếu đang được giao dịch 8,11 USD tính đến cuối ngày thứ tư trên sàn Mỹ.
Cổ phiếu của SoftBank Group Corp, cổ đông lớn nhất của Didi, đã giảm hơn 5% tại Tokyo sau thông tin kể trên.
Những người này cho biết, hiện các bên vẫn tiếp tục các cuộc thảo luận và có thể các cơ quan quản lý sẽ xử lý theo yêu cầu của họ. Dù quyết định sử dụng hình thức nào thì đó cũng là một đòn giáng mạnh vào gã khổng lồ gọi xe từng thực hiện hiện đợt IPO lớn nhất tại Mỹ chỉ sau Alibaba Group Holding. Đại diện của Didi và CAC hiện từ chối bình luận về vấn đề này.
Didi đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi tiến hành chào bán cổ phiếu tại New York vào mùa hè này, bất chấp các yêu cầu của cơ quan quản lý rằng họ phải đảm bảo tính bảo mật cho dữ liệu của mình trước khi IPO. Hãng tin Bloomberg đưa tin vào tháng 7, các nhà quản lý Trung Quốc đã nhanh chóng mở nhiều cuộc điều tra đối với công ty và đã xem xét một loạt các hình phạt chưa từng có.
Có thể việc hủy niêm yết sẽ là một phần hình phạt dành cho Didi. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đề xuất một khoản đầu tư vào công ty, cho phép các công ty nhà nước kiểm soát 1 lượng cổ phần.
Didi hiện được kiểm soát bởi nhóm quản lý của người đồng sáng lập Cheng Wei và Chủ tịch Jean Liu. SoftBank và Uber Technologies Inc. là những cổ đông lớn nhất của Didi.
Ngay cả khi Didi chuyển niêm yết sang Hồng Kông, họ sẽ phải giải quyết những lo ngại về bảo mật dữ liệu đã thu hút sự giám sát của cơ quan quản lý. Công ty có thể phải từ bỏ quyền kiểm soát dữ liệu của mình cho bên thứ ba - một lần nữa lại gây sụt giảm đáng kể giá trị công ty.
Trước đó, Bloomberg News đưa tin các cơ quan quản lý đã cân nhắc việc hủy niêm yết đối với Didi kể từ mùa hè, sau khi công ty gọi xe lớn nhất thế giới khiến các quan chức tức giận khi tiến hành IPO tại Mỹ. Việc rút khỏi các sàn giao dịch của Mỹ có thể làm dấy lên lo ngại về "cuộc di cư" của các công ty Trung Quốc khi Washington và Bắc Kinh tranh cãi về quyền truy cập vào các công ty niêm yết.
Didi - từng được cho là đã đánh bại Uber ở Trung Quốc - giờ trở thành một ví dụ cho nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế sức mạnh của những gã khổng lồ internet. Chính quyền Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào lĩnh vực internet vốn đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ bằng cách hoạt động thiếu sự giám sát chặt chẽ của luật pháp, tạo ra một số lượng tỷ phú chưa từng có và làm giàu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc tư nhân hóa do nhà nước chỉ đạo sẽ là điều chưa từng có đối với một công ty tư nhân tầm cỡ như Didi. Điều đó cho thấy chính phủ Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc cắt giảm quyền lực của các công ty internet của đất nước, mở khóa dữ liệu và của cải tích trữ trong suốt một thập kỷ mở rộng đáng kể. Động thái này cũng sẽ gửi một tín hiệu đáng lo sợ cho các nhà đầu tư Mỹ, từ lâu đã quen với việc đầu tư tự do vào các tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc từ Alibaba đến Baidu và JD.com.
Bloomberg nhận định, các động thái của Bắc Kinh đối với Didi đặc biệt gay gắt, ngay cả sau hàng loạt lệnh trừng phạt những gã khổng lồ như Alibaba và Tencent Holdings. Hồi tháng 7, Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước và một số cơ quan khác tiến hành kiểm tra tại chỗ các văn phòng của Didi.
Nguồn: Bloomberg
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị