Theo nhận định của các chuyên gia chuyên ngành, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, sau khi đã được điều chỉnh hàng chục đợt trong thời gian qua.
Dự báo giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục “phi mã”
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới đã tăng liên tiếp nhiều đợt.
Đặc biệt, hiện tại giá ngô, đậu tương và lúa mì tiếp tục neo ở mức cao so với mức giá trung bình trong các năm gần đây và đang có xu hướng tăng mạnh trở lại…
Trên thị trường thế giới, giá ngô đang có xu hướng tăng mạnh trở lại khi giá dầu thô trên thế giới tăng vọt, kích thích nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học. Cụ thể, giá ngô giao tháng 3.2022 tại Sở giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) hiện đạt 588,2 cents/giạ (25,4 kg/giạ ngô), cao hơn tới 35% so với hồi đầu năm 2021.
Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nam Bộ thông tin, từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi vẫn khó có khả năng giảm, thậm chí có thể tăng từ 3-5% do nguồn cung nguyên liệu trên thế giới sụt giảm bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; các tác động của đại dịch COVID-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cộng thêm. Giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng cao tác động khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước cũng tăng do nguồn cung trong nước còn hạn chế.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam - cũng nhận định: Cùng với đà tăng của hàng hóa, lương thực trên toàn cầu, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa hạ nhiệt, ngược lại sẽ tăng cao vì giá nguyên liệu thức ăn trên thế giới chưa “hạ nhiệt”.
Theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT), Việt Nam đang có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và hầu hết các nhà máy này đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Có khoảng 30 doanh nghiệp chuyên về nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất thức ăn. Sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước bị tác động trực tiếp và mạnh mẽ khi giá trên thế giới biến động.
Hiện nay, việc vận chuyển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về Việt Nam vẫn gặp khó khăn, chi phí vận chuyển các mặt hàng này tăng cao từ 200-300% so với trước, nên dự báo mức tăng của giá thức ăn chăn nuôi chưa dừng lại, có thể tiếp tục tăng từ 1-2 đợt.
"Bão giá" thức ăn tác động xấu đến ngành chăn nuôi trong nước
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, hàng năm, số lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu về không có nhiều biến động, vẫn giữ ổn định khoảng trên dưới 20 triệu tấn, gồm khoảng 9,5 triệu tấn ngô, 500.000 tấn thức ăn bổ sung và khoảng 2 triệu tấn nguồn protein... Tuy nhiên, số lượng không biến động nhưng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 10 tháng đã lên đến trên 4 tỉ USD bởi giá thức ăn chăn nuôi đang “phi mã”.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng năm 2021 kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đã đạt gần 4,14 tỉ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo trong các tháng cuối năm, con số này còn tiếp tục tăng khi số thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp đặt mua trong năm cập cảng Việt Nam. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao chắc chắn tiếp tục tác động đến giá thành sản xuất của nông dân.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc – miền Trung - cũng nhấn mạnh: Giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá gia súc, gia cầm giảm đang khiến nhiều trang trại chăn nuôi thua lỗ, đặc biệt là các gia trại nhỏ lẻ, người nuôi không muốn tái đàn, nếu không có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong nước.
Xem thêm: odl.747779-man-iouc-gnaht-gnort-iom-hnid-pal-eht-oc-ioun-nahc-na-cuht-aig/et-hnik/nv.gnodoal