Được đặt tên là B.1.1.529, biến thể từ Nam Phi này mới chỉ được phát hiện với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của nó của nó khiến WHO thực sự quan ngại.
"Chúng ta chưa biết nhiều về biến thể này. Những gì chúng ta biết là nó có một số lượng lớn đột biến trong các protein gai. Và khi nó có quá nhiều đột biến, chúng ta phải tìm hiểu cách nó hoạt động và lây nhiễm", Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tuyến trên mạng xã hội.
Virus này được phát hiện khi thế giới chuẩn bị tiến vào các kỳ nghỉ lễ cuối năm, thời điểm mà mọi người sẽ dành nhiều thời gian để đi du lịch sau nhiều tháng mắc kẹt vì các biện pháp giãn cách xã hội. WHO đã ngay lập tức cảnh báo những điểm nóng, đặc biệt là tại châu Âu.
Hiện tại, các chuyên gia của WHO vẫn đang xác định xem biến thể B.1.1.529 là quan ngại hay đáng quan ngại. Sau đó, nó sẽ được đặt tên chính thức, giống các biến thể hiện nay. Việc xác định được sự nguy hiểm của biến thể này sẽ giúp con người có những cách ứng phó phù hợp với virus và cả những quốc gia mà virus đang lây lan.
Tuy nhiên, Vương quốc Anh đã tuyên bố cấm các chuyến bay từ 6 nước châu Phi, bao gồm cả Nam Phi, từ trưa 26/11 nhằm hạn chế nguy cơ virus lây lan. Theo cơ quan y tế Anh, việc nghiên cứu một biến thể mới chính là lý do họ ban hành quy định đi lại này. Dù chưa có dữ liệu đầy đủ nhưng Vương quốc Anh cho rằng cần ngăn ngừa ngay từ bây giờ.
Trước đó, các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện hơn 30 đột biến protein trên chủng virus mới, khiến chúng dễ dàng bám vào các tế bào trong cơ thể hơn. Ngoài ra, việc chứa nhiều đột biến có thể khiến B.1.1.529 có khả năng kháng vắc xin mạnh hơn cũng như dễ lây lan hơn. Dẫu vậy, việc nghiên cứu các đột biến vẫn đang được tiến hành nhằm tìm hiểu cách thức lây lan của virus.
Trước khi cuộc họp của WHO diễn ra, B.1.1.529 đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu. Sự lo ngại của các nhà đầu tư về biến chủng mới đã khiến nhiều thị trường chính ở châu Á giảm điểm. Làn sóng lo ngại cũng đã lây lan tới châu Âu và nạn nhân bị bán tháo mạnh nhất là cổ phiếu du lịch.
Tại Mỹ, chứng khoán tương lai cũng đang chìm trong sắc đỏ khi mối lo ngại về biến thể này gia tăng. Tính tới 17h45 theo giờ Hà Nội, Dow Jones futures còn giảm khoảng gần 800 điểm, tương đương khoảng 2,2%. S&P 500 futures và Nasdaq futures cũng chịu chung số phận khi giảm lần lượt 1,8 và 1,1%.
Không chỉ thị trường chứng khoán, lợi suất trái phiếu kho bạc, giá dầu thô cũng đồng loạt giảm mạnh. Riêng giá dầu thô giao sau tương lai của Mỹ đã giảm 6,2% xuống còn 73,57 USD/thùng. Đồng rand của Nam Phi rơi 1,7% xuống còn 16.231 rand đổi 1 USD.
Tuy nhiên, khi thị trường trở nên hốt hoảng, các tài sản được xem là hầm trú ẩn an toàn tăng lên. Giá vàng đã tăng 1,5% lên 1.810,55 USD/ounce. Giá bạc cũng tăng nhẹ lên 0,56%. Trong khi đó, giá đồng, nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất, giảm gần 3%....