Gỡ vốn cho nông nghiệp, thu hút nguồn lực là yêu cầu đặt ra trong phát triển nông nghiệp, nông thôn - Ảnh: N.K.
Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương tổng kết thực hiện nghị quyết 26 (Ban chỉ đạo) Nguyễn Duy Hưng chia sẻ tại hội thảo "Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn" nhằm tổng kết nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là nghị quyết 26).
Hội thảo do Ban Kinh tế trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đồng chủ trì tổ chức ngày 26-11.
Ông Hưng khẳng định nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
"Trong mục tiêu tổng thể này cần tổng kết nghị quyết 26 xem đã làm được những kết quả gì, những việc gì còn nợ người dân. Tới đây cần có chiến lược, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước để tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sinh thái, nông thôn hiện đại và hình thành được tầng lớp nông dân văn minh" - ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đánh giá các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực đã bước đầu hình thành, nhưng việc phát triển chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số đang gặp nhiều bất cập, tồn tại và khó khăn.
Theo ông Bảo, hiện chưa có quy hoạch cụ thể phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, điều kiện ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số còn hạn chế. Việc thu hút nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tỉ trọng vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp chỉ khoảng 5,8% của cả nước...
TS Nguyễn Như Quỳnh, phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và chính sách tài chính, cho rằng tín dụng cho nông thôn kém hấp dẫn vì ngành nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, giá cả hàng hóa bấp bênh, đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn nhưng quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, tài sản đảm bảo cho vay còn hạn chế...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Do đó, trong sửa đổi chính sách tới đây Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu chính sách thuế theo hướng mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp để chia sẻ rủi ro.
"Đầu tư ngân sách nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể tăng gấp đôi so với giai đoạn trước để đáp ứng nhu cầu phát triển" - ông Hưng thông tin.
5 vấn đề lớn cho nông nghiệp, nông thôn được bàn thảo
Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng cho hay 5 vấn đề lớn cho nông nghiệp, nông thôn đã được đặt lên bàn nghị sự, trọng tâm là liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, chính sách huy động nguồn lực, chính sách tài chính, chính sách tín dụng và chính sách khoa học công nghệ.
Tiếp thu các kiến nghị là cần sửa đổi Luật đất đai, Luật hợp tác xã, có nguồn lực đầu tư từ Nhà nước tăng lên, ông Hưng cho rằng trong sửa đổi nghị quyết 26 tới đây sẽ tập trung tăng nguồn lực tín dụng, chính sách về thuế để tạo động lực, nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, các gói bảo hiểm cho nông dân.
TTO - Ngày 26-10, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm với chủ đề: Đối thoại cùng các 'vua nông sản' Việt, với sự có mặt của bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng khách mời là những doanh nhân điều hành các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm hàng đầu Việt Nam.
Xem thêm: mth.41454655162111202-nad-gnon-peihgn-gnon-ohc-nov-og-hcac-mit/nv.ertiout