Sáng ngày 26/11, trong khuôn khổ diễn đàn “Năng lượng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”, các chuyên gia đã đưa ra báo cáo thống kê về tình hình sử dụng năng lượng tại Việt Nam trong thời điểm Covid-19 đang hoành hành cũng như có những đánh giá về tương lai của ngành năng lượng trong năm 2022, đặc biệt là sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Xu hướng phát triển tất yếu
Thảo luận tại diễn đàn, TS. Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá bối cảnh Covid-19 đã và đang đem lại cả những thách thức lẫn cơ hội cho ngành năng lượng cũng như cho sự phục hồi kinh tế tại Việt Nam.
Qua báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông cho biết trong quý III/2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu phụ tải điện cũng giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, sau 9 tháng năm 2021, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện đạt 95 tỷ kWh, chiếm gần 50% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 9/2021 ước đạt 17,95 tỷ kWh, giảm 9,95% so với tháng 9/2020. Luỹ kế 9 tháng năm 2021 đạt 169,43 tỷ kWh, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo năm 2021 điện thành phẩm tăng trưởng lên 213 tỷ kWh, ông Lâm đánh giá đây là một con số thấp.
Sang tháng 10/2021, cùng với việc dịch bệnh đã từng bước được khống chế, ngành năng lượng cũng đang dần phục hồi. Điều này cũng đặt ra thách thức mới cho ngành điện lực trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế.
Để chủ động đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho các hoạt động của người dân và phát triển kinh tế, ông Lâm chia sẻ: "Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lên sẵn kịch bản cho năm 2022, dự báo những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả đồng thời nghiên cứu phát triển nhanh chóng các hệ thống năng lượng tái tạo để đảm bảo nguồn cung ứng".
Tại Diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định với tiềm năng lớn về nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa phát triển điện mặt trời, điện gió, đáp ứng nhu cầu điện tăng trưởng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông cũng nhấn mạnh đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng nghìn doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực tham gia thị trường từ đầu tư, nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới áp dụng vào quản lý, vận hành. Nhưng ông Lâm cũng cho rằng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam thì cần rất nhiều yếu tố tác động, trong đó quan trọng nhất chính là sự quan tâm kịp thời của Nhà nước.
Chia sẻ với những mong muốn của đại diện EVN, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết phía Bộ Công Thương đã có Quyết định 2023/QĐ- BCT ngày 5/7/2019 phê duyệt Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025, nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện và cơ chế hoạt động thông thoáng để tạo môi trường thuận lợi nhất cho ngành năng lượng tái tạo phát triển.
Cùng với đó, ông Vũ cũng nhấn mạnh muốn phát triển năng lượng tái tạo cần sử dụng hợp lí nguồn lực ngân sách từ Trung ương đến địa phương, các nguồn lực từ doanh nghiệp trong và ngoài nước; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; ngoài ra cần tiếp tục tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Thách thức tạo đà cho sự phát triển
Thảo luận tại diễn đàn, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đảo lộn trong cuộc sống cũng như ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của xã hội tại Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung.
Nhưng bên cạnh đó, ông cũng cho rằng bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp hiện nay đã tạo điều kiện thúc đẩy cho sự chuyển dịch xã hội, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tác động của dịch bệnh càng cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải cải cách thể chế một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.
“Thói quen tiêu dùng trước và sau đại dịch có rất nhiều thay đổi, vì vậy cần nghiên cứu kỹ theo mô hình đó để thích nghi, từ đó có những sự chuyển đổi hợp lí và đưa ra các chính sách kịp thời”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Nhận định về tầm quan trọng của năng lượng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, ông Doanh cho rằng năng lượng là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự phục hồi nền kinh tế của một quốc gia.