Ông Zaw Min Tun, người phát ngôn chính phủ quân sự Myanmar - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi nhắc lại mối quan ngại sâu sắc trước thông tin các vụ vi phạm và lạm dụng nhân quyền đang diễn ra của Lực lượng An ninh Myanmar trên khắp đất nước", tuyên bố chung ngày 26-11 của Anh, Úc, Canada, New Zealand, Na Uy và Hàn Quốc.
Trích dẫn "các báo cáo đáng tin cậy", nhóm 7 nước này cho biết đã có những vụ bạo lực tình dục và tra tấn ở bang Chin phía tây Myanmar và các vùng Sagaing, Magwe.
7 quốc gia trên cũng bày tỏ quan ngại "về các hoạt động tập trung vũ khí và các cuộc tấn công của quân đội, bao gồm pháo kích và không kích, sử dụng vũ khí hạng nặng và triển khai hàng ngàn quân trong các hoạt động chống khủng bố nhưng gây ảnh hưởng lớn đến thường dân".
"Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đình chỉ mọi hoạt động hỗ trợ quân đội và ngừng chuyển giao vũ khí cũng như mọi hỗ trợ kỹ thuật cho các lực lượng Myanmar", tuyên bố của 7 nước có đoạn nêu rõ.
Hôm 10-11, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại và kêu gọi ngừng bạo lực tại Myanmar.
Trước đó, một báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về tình hình Myanmar đã cảnh báo Myanmar đang đứng trước nguy cơ bạo lực gia tăng trong tương lai.
Sau nhiều tháng biểu tình diện rộng để phản đối cuộc binh biến tháng 2 của quân đội, nhiều người được cho là đã gia nhập các nhóm vũ trang thiểu số để chiến đấu với quân đội Myanmar. Điều này khiến các nhà phân tích và tổ chức nhân đạo lo lắng xung đột vũ trang sẽ tiếp diễn và leo thang trong thời gian tới.
Hiện chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa lên tiếng bình luận về tuyên bố chung của 7 nước. Sau cuộc binh biến, Naypyidaw đối mặt với các lệnh trừng phạt nhưng thường phản ứng bằng cách im lặng và phớt lờ.
TTO - Một tòa án ở Myanmar kết án hai thành viên đảng chính trị bị lật đổ của bà San Suu Kyi 90 năm và 75 năm tù vì tội tham nhũng.
Xem thêm: mth.8412436072111202-cul-oab-tud-mahc-ed-ramnaym-ihk-uv-nav-mac-iog-uek-hnim-gnod-av-ym/nv.ertiout