Chỉ số chứng khoán VN-Index đang lặp lại chu kỳ 3 phiên tăng/giảm đan xen. Chỉ khác là, 3 phiên giảm trước đó VN-Index mất tổng cộng 28,6 điểm, còn 3 phiên tăng liên tiếp vừa mới đây chỉ số lấy lại hơn 53 điểm.
Cần kiểm tra lại ngưỡng 1.500 điểm
Giữa tuần giao dịch trước với tuần giao dịch vừa kết thúc, điểm số của VN-Index chênh nhau khoảng 27 điểm. Tuy nhiên, nếu tính gộp 2 tuần vừa qua với trước đó, VN-Index tăng nhẹ với mức khoảng 20 điểm.
Giữa nhịp tăng trong tuần giao dịch vừa kết thúc, những dấu mốc lịch sử được tạo ra chính là phiên thanh khoản hơn 44.800 tỉ đồng trên sàn HoSE phiên ngày 19.11, và VN-Index cán ngưỡng 1.500 điểm trong phiên ngày 25.11.
VN-Index vượt qua mốc 1.500 điểm với khoảng cách rất nhỏ nhoi, chỉ chưa đầy 1 điểm. Chính vì ranh giới mong manh đó, việc chỉ số sẽ phải kiểm tra đi kiểm tra lại một hay nhiều lần trước ngưỡng kháng cự 1.500 điểm cũng là điều bình thường trên thị trường.
Bởi, VN-Index cũng từng nhiều lần phải trải qua các diễn biến như vậy khi vượt qua các mốc 1.200 điểm, 1.300 điểm rồi mốc 1.400 điểm.
Khi điểm số càng lên cao, lực xả hàng chốt lời càng mạnh, càng thường xuyên gây ra các phiên rung lắc với biên độ lớn. Việc kiểm tra hay thử thách lại các ngưỡng kháng cự, đặc biệt là tạo vùng quanh mốc 1.500 điểm, trở nên cần thiết để củng cố động lực cho thị trường.
Mặt khác, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Phú Hưng, VN-Index đang cần một nhịp giằng co, rung lắc để rũ bỏ hết áp lực chốt lời trước khi có nhịp tăng trở lại bền vững hơn trong ngắn hạn.
Diễn biến này đã thể hiện trên thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 26.11, VN-Index liên tiếp rung lắc trong phiên với sắc màu thay đổi xoành xoạch từ xanh sang đỏ, để rồi kết phiên giảm hơn 7 điểm, kéo chỉ số tạm lùi xuống dưới ngưỡng 1.500 điểm.
Rũ sạch áp lực hay chưa?
Tuần giao dịch vừa kết thúc thanh khoản bình quân phiên trên sàn HoSE tiếp tục đạt mức cao, hơn 33.175 tỉ đồng/phiên. Mức này thấp hơn tuần liền trước nhưng lại cao hơn tuần trước đó nữa. Gộp lại 3 tuần giao dịch gần nhất, thanh khoản bình quân phiên trên sàn HoSE đạt trên 33.000 tỉ đồng/phiên, một mức kỷ lục.
Tuy nhiên, phiên giảm điểm cuối tuần ngày 26.11 có lẽ chưa đủ để thị trường rũ sạch được hết áp lực chốt lời. Thứ nhất là mức giảm chỉ hơn 7 điểm tương ứng hơn 0,5%. Thứ hai là dường như lực cầu giá thấp với dòng tiền mạnh luôn chờ sẵn không để cho thị trường rũ quá mạnh.
Ngoài một số ngành giảm giá mạnh trong thời gian qua như cổ phiếu thép do những nhà đầu tư “đánh” theo tin đồn, còn lại các nhóm ngành giảm khá mạnh trong phiên ngày 26.11 hầu hết rơi vào những cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh và liên tục gần đây, như chứng khoán, một phần bất động sản và ngân hàng, bán lẻ.
Thậm chí, có những thời điểm, nhiều mã thuộc các nhóm ngành trên đã giảm giá khá sâu, song cũng không duy trì ở mức đó quá lâu nhờ sức mua bắt đáy mạnh mẽ.
Kiểu diễn biến trên thị trường hiện nay không có nhiều cơ hội lợi nhuận cho nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn mua mới danh mục. Thế nhưng ngược lại, cơ hội khá thuận lợi cho việc lướt sóng ra-vào trên danh mục có sẵn.
Tuy nhiên ở cách này, nhà đầu tư phải tính được mức lợi nhuận trading trong phiên trên danh mục sẵn có một cách hợp lý để kiên định thực thi. Nếu không, vì quá tham hay vì quá vội, nhà đầu tư đều có thể bị thiệt hại.
Xem thêm: odl.422879-uey-eht-iv-cac-coud-hcas-ur-ad-naut-iouc-meid-maig-neihp-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal