Đêm Giáng sinh "nhớ đời"
Vào đêm Giáng sinh năm 1971, chỉ vài giờ sau khi dự lễ tốt nghiệp trung học, cô gái tên Juliane Koepcke (17 tuổi) và mẹ là bà Maria đã đáp chuyến bay từ thủ đô Lima (Peru) đến thành phố Pucallpa (Peru). 2 mẹ con dự định đến đoàn tụ với cha của Juliane, ông Hans-Wilhelm, một nhà động vật học nổi tiếng người Đức đang làm việc tại một trạm nghiên cứu xa xôi trong rừng nhiệt đới.
Hình ảnh Juliane Koepcke trước khi gặp tai nạn máy bay.
Bay được khoảng 30 phút, máy bay đi vào đám mây đen, rất dày. “Những đám mây càng lúc càng đen khiến hành khách trên chuyến bay trở nên hỗn loạn hơn. Sau đó, chúng tôi đang ở giữa những đám mây đen như mực và một cơn bão kèm theo sấm sét”, Juliane nói. “Xung quanh chúng tôi tối đen như mực và có sấm chớp liên tục. Sau đó, tôi thấy một ánh sáng lấp lánh ở cánh phải… Động cơ máy bay bị sét đánh trúng”.
Chuyện máy bay bị sét đánh không phải là kỳ lạ nhưng thường thì không có vấn đề nào quá nghiêm trọng xảy ra. Vậy mà, lần này, có một vấn đề lớn.
"Ngay sau khi phần cánh gặp sự cố, chiếc máy bay đã bị xé toạc, phần lớn là do chiếc máy bay loại Electra mà chúng ngồi trên đó không được chế tạo để bay trong vùng nhiễu động nặng, do đặc điểm đôi cánh của nó", Juliane cho biết.
Trái ngược với thông tin được đăng tải trên truyền thông, Juliane khẳng định rằng cánh máy bay "chắc chắn không phát nổ". Đúng hơn thì chiếc máy bay chỉ đơn giản là bị vỡ một miếng sau khi cánh rơi ra.
Những lời cuối cùng mà Juliane nghe từ mẹ mình là khi sét đánh vào cánh. Sau đó, Juliane bị đẩy ra khỏi máy bay và rơi ở độ cao khoảng hơn 3.000 mét xuống khu rừng nhiệt đới rậm rạp của Peru, trong tình trạng vẫn được dây an toàn siết chặt vào ghế.
Juliane kể lại giây phút Tử thần cận kề: "Tôi nghe thấy tiếng động cơ cực kỳ lớn và mọi người la hét và sau đó máy bay rơi rất nhanh. Và sau đó là không khí yên tĩnh - cực kỳ tĩnh lặng so với tiếng ồn ào trước đó. Tôi chỉ nghe thấy tiếng gió bên tai. Tôi vẫn còn ngồi trên chiếc ghế. Mẹ tôi và người đàn ông ngồi cạnh lối đi trên máy bay đều bị đẩy ra khỏi chỗ ngồi. Tôi đã rơi tự do, đó là những gì tôi nhớ rất rõ. Tôi thậm chí còn đủ tỉnh táo để nhận ra bên dưới là khu rừng - sau này tôi mô tả nó giống như cây súp lơ xanh. Sau đó, tôi bất tỉnh và tới ngày hôm sau thì tỉnh lại".
Điều kỳ diệu không tưởng
Juliane trở thành người sống sót duy nhất trong chuyến bay mang số hiệu Lansa 508 khi ấy, tất cả 91 hành khách khác và phi hành đoàn thiệt mạng. Không biết chính xác yếu tố nào đã giúp Juliane sống sót nhưng một số người suy đoán rằng chiếc ghế khiến Juliane xoay như một chiếc trực thăng, và sau đó giúp cô hạ cánh nhẹ nhàng nhờ rơi vào khu rừng rậm nhiều tán cây. Trên thực tế, bản thân đệm ngồi của chiếc ghế cũng có thể đóng một vai trò nhỏ.
Dù là gì đi nữa, trong khoảng hơn 19 giờ tiếp theo, Juliane mất dần ý thức và tại một thời điểm nào đó mà cô không biết, cô đã cố gắng tháo dây ra khỏi ghế và chui xuống gầm ghế, cô nghĩ đó là một phản ứng với mưa.
Cuối cùng, vào lúc 9 giờ sáng, cô bắt đầu tỉnh táo và có phần bàng hoàng khi nhận ra tình hình của mình. Juliane nằm trên mặt đất, chỉ mặc một chiếc váy ngắn không tay và cũng chẳng có dép hay cặp kính.
Khi ấy, Juliane không nhận ra tất cả vết thương của mình nhưng quả thực cô đã sống sót một cách thần kỳ sau cú ngã với một xương quai xanh bị gãy; chấn thương đứt dây chằng chéo trước; một bên mắt sưng húp nhắm nghiền; mao mạch trong mắt bị bung ra (do sự giảm áp nhanh chóng từ máy bay); một đốt sống cổ của cô ấy bị ảnh hưởng; một phần ống chân bị gãy; và một số vết thương sâu trên tay và chân.
Bản năng sinh tồn mãnh liệt
Juliane đã mất nửa ngày để có thể đứng mà không bị choáng váng, nhưng cuối cùng cô đã xoay xở được và việc đầu tiên cô làm là bắt đầu tìm kiếm mẹ rồi sau đó bỏ cuộc. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm mẹ, Juliane đã tìm thấy một túi kẹo, đó là thức ăn duy nhất mà cô có trong suốt cuộc hành trình của mình, và quan trọng hơn là có một con suối. Cha của Juliane đã từng cho cô một lời khuyên rất hữu ích rằng nếu cô bị lạc trong khu rừng nhiệt đới và bắt gặp một con suối hoặc con sông, cô nên đi theo nó về phía hạ lưu; bởi vì mọi người có xu hướng sinh sống ở gần khu vực có nước.
Nghĩ vậy, Juliane lên đường. Juliane hiểu rõ rằng rắn đặc biệt thích nằm ngụy trang dưới những chiếc lá khô, vì vậy khi đi qua đoạn không có nước, cô dùng chiếc giày ném về phía trước để kiểm tra xem có rắn hoặc các vật cản trở khác không (Juliane không thể nhìn rõ do thiếu kính). Juliane nghĩ lội dưới nước càng nhiều càng tốt, vì nó dễ đi hơn là đi qua những tán lá rậm rạp. Tất nhiên, vẫn có mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Trong vòng vài ngày, Juliane bắt đầu nghe thấy tiếng kền kền vua xung quanh mình, âm thanh mà cô nhận ra khi sống tại trạm nghiên cứu của cha mẹ mình một năm rưỡi trước đó, chỉ cách nơi máy bay rơi khoảng 48km. Bởi vì kền kền vua thường chỉ hạ cánh khi có xác chết xung quanh, cô ấy đoán rằng chắc chắn phải có xác chết. Vào ngày thứ 4, Juliane cuối cùng đã phát hiện ra 3 hành khách khác đã tử vong trong tư thế đầu cúi xuống đất, tay vẫn nắm chặt vào ghế.
"Mắt tôi lúc đó mờ lắm nên không nhìn thấy rõ. Tôi chỉ nhìn thấy bàn chân của họ chổng ngược lên. Tôi dùng một cây gậy chọc vào họ, tôi không dám chạm tay vào. Tôi không ngửi thấy mùi xác chết phân hủy. Ý tôi là, chắc chắn, sự phân hủy hẳn đã bắt đầu, nhưng tôi không thể ngửi thấy. Tôi có thể biết đó là một phụ nữ bởi vì cô ấy có móng chân bóng bẩy và 2 người còn lại chắc hẳn là hai người đàn ông, dựa vào đặc điểm quần và giày của họ. Sau đó tôi bước tiếp, nhưng trong giây phút đầu tiên khi tìm thấy họ, tôi giống như bị tê liệt", Juliane kể.
Trong quá trình di chuyển, một số vết thương của Juliane bị nhiễm trùng và một vết thương lớn trên cánh tay phải của cô bắt đầu xuất hiện giòi. Đây là điều mà cô đã từng chứng kiến xảy ra với con chó của mình trước đây, và cả kết cục đau đớn thảm hại của nó. Dù cố gắng hết sức, Juliane vẫn không thể lấy được giòi ra ngoài vì chúng đã nằm quá sâu trong vết thương.
Vào ngày thứ 10, Juliane tình cờ gặp một chiếc thuyền, mà lúc này, cô vẫn nghĩ đó là một ảo ảnh cho đến khi cô đến gần và chạm vào nó. Bên cạnh chiếc thuyền là một con đường, cô đã bò lên (lúc này rất yếu nên việc đi lên con đường hơi khó khăn). Cuối con đường là một túp lều nhỏ có một thợ săn đang sống ở đó. Nhưng lúc đó thợ săn đi vắng, Juliane tìm thấy một động cơ và một ít nhiên liệu diesel trong cái thùng.
Juliane dùng một cái ống để hút một ít nhiên liệu trong thùng ra và đắp lên vết thương bị giòi bọ của mình, điều mà cha cô đã làm với con chó của cô, mặc dù bằng dầu hỏa. Mặc dù cực kỳ đau đớn, nhưng nó thực sự hiệu quả và hầu hết những con giòi, ban đầu cố gắng chui sâu hơn vào cánh tay của cô, cuối cùng đã nổi lên bề mặt và cô có thể gắp chúng ra.
Sau đó, Juliane nằm ngủ trong túp lều, nhưng thấy nền đất quá cứng nên cô quay trở lại bờ sông và nằm trên cát. Ngày hôm sau, Juliane thức dậy và nghe thấy tiếng ếch nhái xung quanh mình, cô cố gắng bắt một số con để ăn. May mắn cho Juliane là cô đã không bắt được con nào vì chúng là những con ếch phi tiêu độc. Tại thời điểm này, Juliane đang phân vân về việc có nên đi thuyền hay không, điều mà cô không muốn làm như ăn trộm, nhưng cuối cùng cô quyết định qua đêm tại túp lều.
Nhưng cuối cùng thì Juliane cũng không phải ngủ một mình. 3 người đàn ông vừa ra khỏi rừng thì nhìn thấy cô gái. Ban đầu, họ còn tưởng cô là “Yemanjá”, một loại thủy thần tóc vàng, da nhợt nhạt.
Juliane giải thích những gì đã xảy ra, cách cô đến được đó, và may mắn là họ cũng đã nghe nói về vụ tai nạn máy bay, vì vậy đã chấp nhận câu chuyện của cô gái. Sau đó, họ cho Juliane ăn và chăm sóc vết thương cho cô tốt nhất có thể và đưa cô về phía hạ lưu trong khoảng bảy giờ đi thuyền.
Khi đến đó, một phi công địa phương biết một số nhà truyền giáo gần đó đang điều hành một bệnh viện ở Pucuallpa. Phi công đã đưa Juliane đi viện sau 15 phút bay. Chỉ 1 sau khi được giải cứu, cô đã được đoàn tụ với cha mình.
Sau đó, Juliane đã giúp lực lượng chức năng tìm kiếm xác định vị trí xảy ra vụ tai nạn. Vào ngày 12 tháng 1, họ cuối cùng đã phát hiện ra thi thể của mẹ cô. Giống như Juliane, mẹ của cô dường như đã sống sót sau cú ngã. Tuy nhiên, những vết thương của bà khiến bà không thể di chuyển rồi tử vong vài ngày sau đó.
Juliane giờ đây được biết đến với cái tên Juliane Diller, đã có bằng Tiến sĩ về Động vật học và là thủ thư tại Bộ sưu tập Động vật học Bang Bacarian ở Munich.
Cuốn tự truyện của cô mang tên “When I Fell From The Sky” (“Als ich vom Himmel fiel”) được phát hành vào ngày 10 tháng 3 năm 2011 và cô đã nhận được Giải thưởng Văn học Corine.
Nguồn: Today I Found Out
Theo L.T
PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC