PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, theo ghi nhận trên thử nghiệm lâm sàng của các vắc xin Covid-19 thì không ghi nhận hiện tượng sốc phản vệ. Tuy nhiên, khi triển khai tiêm thực tế cho thấy, tùy theo cơ địa mỗi người, bất cứ thuốc hoặc yếu tố lạ nào cũng có nguy cơ gây sốc phản vệ.
Ghi nhận trên thế giới cứ 1 triệu người tiêm vắc xin thì có 4, 5 người bị phản vệ và rất hiếm tử vong, đa số là cấp cứu thành công. Tại Việt Nam khi triển khai tiêm vắc xin Covid-19 có ghi nhận ca sốc phản vệ nhưng đa phần là xử trí thành công, không ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêm.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, vắc xin Covid-19 an toàn và tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng và tử vong. Vắc xin Covid-19 cũng như các loại vắc xin phòng ngừa khác, tác dụng phụ kèm theo thường xảy ra sau khi tiêm là những phản ứng thông thường của cơ thể.
Tiêm vắc xin cho người dân tại TP.HCM.
Hiện tượng sốc phản vệ xảy ra sau tiêm vắc xin là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, bất kỳ ai bị phản ứng phản vệ đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cảnh báo, những người bị sốc phản vệ sau lần tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên không nên tiêm liều thứ hai.
Sốc phản vệ xảy ra đột ngột, có thể đe dọa tính mạng nhưng có thể phục hồi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và xử trí đúng. Với vắc xin, sốc phản vệ thường xuất hiện trong 30 phút đầu sau tiêm, cũng có thể muộn hơn dù hiếm gặp.
Các hiện tượng sốc phản vệ sau tiêm vắc xin xảy ra rải rác, mang tính cá thể.
Đánh giá lợi ích của tiêm vắc xin với nguy cơ phản vệ xảy ra thì lợi ích của việc tiêm vắc xin lớn hơn rất nhiều.
Theo PGS Dũng, ghi nhận sau tiêm vắc xin Covid-19 xuất hiện phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng khác như đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh... Các tác dụng phụ này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, nhưng sẽ biến mất sau vài ngày.
Hiện nay tất cả các vắc xin Covid-19 được WHO công nhận đảm bảo an toàn. Các nghiên cứu về vắc xin phải được chứng minh là chặt chẽ về phương pháp, thiết kế thí nghiệm và các yêu cầu về mặt thống kê. Các kết luận về vắc xin cũng phải phù hợp với những gì mà dữ liệu thể hiện.
8 dấu hiệu bị phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 được chuyên gia khuyến cáo
– Ở miệng: cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
– Ở da: phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
– Ở họng: cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
– Về thần kinh: triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
– Về tim mạch: dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
– Đường tiêu hóa: dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
– Đường hô hấp: dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
– Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Theo Ngọc Anh
Doanh nghiệp và tiếp thị