Hôm 26-11, hãng dược Merck của Mỹ đã cập nhật dữ liệu nghiên cứu thuốc trị COVID-19 Molnupiravir mà hãng này đang thử nghiệm. Số liệu mới cho thấy loại thuốc này kém hiệu quả hơn trong việc giảm số ca nhập viện và tử vong so với báo cáo hiệu quả trước đây, hãng Reuters đưa tin.
Hãng cho biết nghiên cứu dựa trên 1.433 bệnh nhân dùng thuốc cho thấy thuốc Molnupiravir giúp giảm 30% số ca nhập viện và tử vong thay vì giảm 50% như dữ liệu công bố hồi tháng 10 dựa trên kết quả từ 775 bệnh nhân.
Theo dữ liệu cập nhật, nhóm dùng Molnupiravir có tỉ lệ nhập viện và tử vong là 6,8% còn nhóm dùng giả dược có tỉ lệ tương ứng là 9,7%. Tỉ lệ tử vong giữa người dùng Molnupiravir với giả dược là 1/9.
Sau kết quả cập nhật này, cổ phiếu của Merck giảm 3,5% xuống còn 79,39 USD trong phiên giao dịch buổi sáng.
Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm. Ảnh: REUTERS
Theo dữ liệu tạm thời từ 1.200 người dùng thuốc Paxlovid của hãng dược đối thủ Pfizer, thuốc này làm giảm 89% ca nhập viện và tử vong.
Trước đó, Merck đã nộp đơn xin cấp phép thuốc Molnupiravir vào ngày 11-10, theo dữ liệu của FDA.
Sau đó, cũng trong ngày 26-11, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã công bố phân tích dữ liệu về thuốc Molnupiravir để làm tài liệu cho các chuyên gia độc lập họp vào ngày 30-11 thảo luận về việc cấp phép cho loại thuốc này.
Trong tài liệu, FDA cũng xác nhận các kết quả tạm thời được báo cáo trước đây của Merck rằng thuốc này làm giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong khoảng một nửa ở những bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19, theo AP.
Bên cạnh đó, FDA đã đánh giá một số nguy cơ tiềm ẩn về dị tật bẩm sinh của thai nhi khi phụ nữ đang mang thai dùng thuốc. Bên cạnh đó, FDA cũng nêu ra một số tác dụng phụ nhẹ và hiếm gặp khác.
Trước những lo ngại về tính an toàn, FDA cho biết Merck đã đồng ý loại thuốc này sẽ không được sử dụng cho trẻ em.
Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra khuyến nghị của riêng về việc liệu thuốc này có nên được cấp phép hay không.
FDA đã yêu cầu hội đồng chuyên gia thảo luận xem liệu lợi ích của thuốc có lớn hơn rủi ro hay không và có nên giới hạn nhóm dân số được phép sử dụng thuốc hay không.
Họ cũng yêu cầu ủy ban cân nhắc các lo ngại về việc liệu loại thuốc này có thể khiến virus đột biến để thích nghi hơn hay không.
Kết luận FDA là mặc dù cơ sở dữ liệu lâm sàng về an toàn còn ít, nhưng hiện tại chưa xác định được rủi ro lớn nào.
Các loại thuốc như Molnupiravir và Paxlovid hứa hẹn sẽ là vũ khí mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch vì nó có thể dùng ngay tại nhà để giảm các ca nhập viện và tử vong. Các loại thuốc này cũng có thể trở thành yếu tố quan trọng để chống dịch ở các quốc gia và khu vực có khả năng tiếp cận vaccine thấp.