Ông Huỳnh Cửu Long, người có mặt tại hiện trường vụ án mạng khá sớm, kể lại vụ việc - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Công an tỉnh Bình Thuận đã làm việc với một số nhân chứng, người liên quan tới vụ án '39 năm không tìm ra hung thủ' xảy ra tại xã Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận từ năm 1980.
Đây là động thái mới nhất sau khi ông Đỗ Thanh An (con trai của nạn nhân Phan Thị Khanh) thông tin vụ án "39 năm không tìm ra hung thủ" đang được Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bộ Công an làm rõ.
Cụ thể, ông Huỳnh Cửu Long (người đã xuất hiện trong tuyến bài của Tuổi Trẻ năm 2019) cho biết ngày 26-11, Công an xã Tân Phúc (huyện Hàm Tân) gọi điện (không có giấy mời) mời ông lên trụ sở làm việc với cán bộ điều tra Công an tỉnh Bình Thuận.
Ông Đỗ Thanh An (phải) cùng ông Võ Ngọc (con ruột ông Võ Tê) - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
"Họ hỏi tôi về vụ án giết bà Phan Thị Khanh và hỏi tôi là người liên quan thế nào đến vụ án, biết đến vụ án cụ thể ra sao… Tôi biết đến đâu thì trình bày tới đó, từ việc phát hiện ra chị Khanh bị giết đến việc bắt giữ ông Võ Tê", ông Long kể.
Ông Huỳnh Cửu Long là người dân địa phương, nhà ông Long cách hiện trường nơi xảy ra vụ án không xa và ông cũng là người có mặt khá sớm khi phát hiện bà Khanh bị giết. Khi đó ông đang làm Đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã nông nghiệp, chấm công các xã viên đi làm nên nhớ rõ hoàn cảnh từng người trong khu hợp tác xã.
Ông Long cũng là người sau này nghe được các câu chuyện về việc giàu lên bất thường của ông Trương Chi (tên khác là Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn) sau vụ án bà Khanh bị giết. Chắp nối các mối liên hệ, ông Long cho rằng đối tượng tình nghi trong vụ án có thể là Trương Chi.
Nguồn tin cũng cho biết trước đó, Công an tỉnh Bình Thuận cũng làm việc với ông Phan Thanh (hiện ngụ tại xã Tân Phúc, trước là Tân Minh của huyện Hàm Tân) là em ruột bà Phan Thị Khanh.
Theo tố cáo của ông Đỗ Thanh An, trước khi bà Khanh bị giết, ông Trương Chi (Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn) mang theo vợ về ở nhờ tại nhà ông Phan Thanh (do ông Chi và ông Thanh là anh em cọc chèo). Sau khi bà Khanh bị giết, ông Chi dắt theo vợ con đi mất, không trở lại địa phương lần nào.
Trước khi bà Phan Thị Khanh bị giết để cướp 1,6 lượng vàng 24K và một số đồ trang sức, bà Khanh cùng con trai (tức ông Đỗ Thanh An) sống cùng mẹ ruột của bà Khanh, còn ông Phan Thanh cưới vợ và ở nhà ngay sát bên.
Sau khi bà Khanh bị giết và mẹ bà qua đời, ông Thanh về ở trong căn nhà của bà Khanh, chăm sóc An. Sau này An được bà nội đón ra Bình Định ở, ông Thanh vẫn ở lại trên nền đất cũ này.
Vụ án bà Phan Thị Khanh bị giết và cướp tài sản ngày 31-7-1980, sau đó Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố và bắt tạm giam ông Võ Tê, một người dân địa phương ở gần hiện trường vụ án. Sau 5 tháng bắt tạm giam, do không có đủ căn cứ để kết tội, ông Võ Tê được Công an tỉnh Bình Thuận thả ra nhưng không ra quyết định đình chỉ bị can. Ông Tê mang thân phận bị can và qua đời vào năm 1985.
Dư luận địa phương cho rằng người giết bà Khanh là người khác, không phải ông Tê, do đó có người làm đơn báo cáo công an về những dấu hiệu bất thường của ông Trương Chi (Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn).
Sau này, ông Đỗ Thanh An lớn lên không ngừng làm đơn tố cáo người giết mẹ mình. Tuy 2 lần giáp mặt và thu được 2 chứng minh nhân dân của người bị tố cáo nhưng cuối cùng Công an Bình Thuận đã không bắt giữ được.
Từ đó đến nay, ông Đỗ Thanh An kiên trì làm đơn tố cáo khắp nơi và mới nhất Công an tỉnh Bình Thuận thông báo cơ quan này đang phối hợp với Bộ Công an xác minh làm rõ nội dung tố cáo.
TTO - Mấy chục năm đi khắp hang cùng ngõ hẻm lần theo dấu tích hung thủ giết mẹ, Đỗ Thanh An chưa một ngày nản chí. Mới đây, anh nhận được phản hồi từ Công an tỉnh Bình Thuận thông báo Bộ Công an đang phối hợp điều tra làm rõ theo đơn tố cáo của anh.