Dịp Black Friday năm nay, không khí tại các trung tâm thương mại, tuyến phố thời trang ở Hà Nội khá ảm đạm, không còn cảnh khách hàng chen nhau chọn đồ, xếp hàng dài đến đêm chờ thanh toán như những năm trước dịch. Trên thế giới, ở các nước như Anh, Mỹ, Australia..., ngày hội mua sắm lớn nhất năm cũng diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Aeon Mall ở Hà Nội, nhiều thương hiệu thời trang đồng loạt tung các chương trình giảm giá lên đến 50-70%, hay mua 1 tặng 1 để kích cầu... Dù vậy, hôm 26/11, theo ghi nhận, lượng khách đến các trung tâm mua sắm này cũng không đông, chỉ tương đương những dịp cuối tuần cao điểm.
Thậm chí, một số cửa hàng tại một trung tâm thương mại ở Bà Triệu lúc trưa – cao điểm đi săn hàng giảm giá Black Friday mọi năm của dân công sở - gần như không có khách.
Đồng thời, sức mua của người dân cũng giảm rõ rệt. "Ngày này năm 2019 liên tục phải vào kho tìm size giày cho khách thử. Năm nay, nhiều khách vào xem, hỏi giá xong cũng đi ra ngoài luôn. Cũng không thấy có những gia đình đến mua một lúc vài chục triệu như trước đây", nhân viên bán giày thể thao tại một trung tâm thương mại trên đường Nguyễn Trãi kể.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các cửa hàng ở các tuyến phố thời trang như Cầu Giấy, Chùa Bộc, phố Huế...
Tại TP HCM, người tiêu dùng mua sắm dịp Black Friday có phần nhộn nhịp hơn, nhưng so với mọi năm, người dân vẫn không còn hào hứng nhiều.
Theo ghi nhận của VnExpress, khoảng 11h trưa 26/11, khách ghé trung tâm thương mại Saigon Centre (quận 1) dần đông sau cả buổi sáng thưa thớt. Trung bình mỗi tầng khoảng 10-20 khách dạo quanh các gian hàng nhưng chỉ khoảng một nửa trong số này ghé vào mua sắm. Khu vực đông người nhất không phải là các cửa hàng đang treo biển giảm giá 50-70%, mà ở sảnh chính với cây thông Noel trang trí đầy màu sắc.
Cách đó 1 km, trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi dần đông đúc từ 12h trưa. Là nơi tụ hội của các thương hiệu quốc tế lớn như Zara, H&M... nên lượt khách ra vào có phần đông hơn. Nhưng so với khung cảnh biển người chen nhau giữa các gian hàng như mọi năm, lượt khách năm nay vắng hơn rất nhiều. Nhi Mai (quận 10) tranh thủ giờ nghỉ trưa để ghé mua giày thể thao. Chị bất ngờ vì năm nay Black Friday đìu hiu.
"Theo tôi, lượng khách năm nay thấp hơn 2-3 lần so với những năm trước. Tôi vẫn nhớ năm 2019, nếu ghé vào giờ cao điểm buổi trưa gần như phải nhích từng bước một để di chuyển", chị nói. Khoảng 17h tại trung tâm thương mại Vincom Thảo Điền (TP Thủ Đức), lượng khách ghé mua sắm cũng không khả quan hơn hai địa điểm kể trên.
Lý giải cho sự thờ ơ của người tiêu dùng trong đợt Black Friday năm nay, nhiều cửa hàng cho rằng chủ yếu do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên người dân thắt chặt chi tiêu. Không chỉ năm nay, từ năm ngoái, sau đợt dịch đầu tiên, sức nóng của ngày lễ mua sắm Black Friday tại Việt Nam đã dần hạ nhiệt.
"Như chúng tôi dự đoán, sức mua năm nay yếu hẳn sau nhiều tháng người dân bị ảnh hưởng thu nhập do dịch", đại diện một cửa hàng thời trang TP HCM cho biết.
Chị Ngọc Anh, chủ một shop quần áo nữ ở Mai Hắc Đế (Hà Nội), cũng cho biết không kỳ vọng nhiều dịp Black Friday năm nay. Cửa hàng của chị giảm giá 20-30% tuỳ mặt hàng, chủ yếu cho có không khí. Hồi đầu tháng 10, chị cũng tung một đợt giảm giá sau khi được mở cửa trở lại sau 2 tháng nghỉ dịch, nhưng hàng hoá đến nay vẫn bán chậm.
Theo chị, khách hàng ngày càng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm hơn sau 2 đợt dịch. "Với những sản phẩm có giá tiền triệu, một số khách quen trước đây chi rất thoáng, giờ cũng phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần mới quyết định mua", Ngọc Anh nói.
Chị Thu Phương, chủ cửa hàng thời trang nữ tại Chùa Bộc, cho rằng đợt sales này không đông khách bởi mọi người còn lo ngại dịch và sinh viên nhiều trường đại học tại Hà Nội vẫn học online.
"Các năm trước, nhiều bạn sinh viên nhân dịp giảm giá này tích cực săn mặt hàng đồng giá như 149.000, 199.000 đồng... Nhưng năm nay đối tượng khách này cũng gần như không có", chị nói.
Ngoài lý do sức mua giảm vì dịch Covid-19, ngày Black Friday không nhộn nhịp, không đông khách như mọi năm có thể do nhiều thương hiệu, cửa hàng đã kéo dài thời gian giảm giá thay vì chỉ trong một ngày như trước hoặc tung các chương trình khuyến mại trước đến một tuần. Ví dụ, hãng thời trang Aldo vài năm trước chỉ sale 50% sản phẩm trong vài tiếng ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11 thì năm nay áp dụng chương trình giảm giá từ 26-28/11.
Đồng thời, một số đơn vị phân phối các thương hiệu thời trang như ACFC (phân phối Nike, Mango, Gap..) hay Maison (phân phối Pedro, Charles & Keith, MLB...) cũng đẩy mạnh chương trình giảm giá Black Friday trên kênh bán hàng trực tuyến.
Trong khi đó, nhiều khách hàng cho rằng Black Friday tại Việt Nam "ngày càng nhạt" vì các deal giảm giá không chất lượng và hiện nay cũng có nhiều chương trình khuyến mại suốt cả năm. Anh Thế Anh, 29 tuổi, từng du học tại Mỹ cho biết, trước đây mỗi dịp này thuờng xếp hàng trước, thậm chí trước cả nửa ngày để săn những món đồ công nghệ có thể rẻ bằng một nửa giá niêm yết.
Tuy nhiên, theo anh, tại thị trường Việt Nam, ngày Black Friday không có những khuyến mại như vậy, chủ yếu giảm giá đồ thời trang. "Các sản phẩm giày, quần áo được giảm 50% đa phần đã lỗi mốt, còn hàng mới hầu như chỉ được giảm 10-15%", anh nói.
Chung quan điểm, chị Thu Giang, nhân viên ngân hàng ở Đống Đa, cho biết khá khó mua đồ khuyến mại Black Friday vì nhiều mặt hàng được giảm giá hợp lý thì lại hết size hoặc hết màu.
"Tôi không muốn chen chân đến các trung tâm thương mại, cửa hàng vì dịch. Thay vào đó, tôi cũng có thể order hàng từ nước ngoài về mà giá vẫn rẻ hơn tại store ở Việt Nam", chị Giang nói.
Tú Anh - Tất Đạt