Dịch COVID-19 khiến phong độ của nhiều VĐV bị ảnh hưởng do ít được thi đấu - Ảnh: N.KHÁNH
SEA Games 31 sẽ khai mạc vào ngày 12-5-2022 và bế mạc vào ngày 23-5-2022 tại Hà Nội và một số địa phương lân cận. Đại hội có sự tham dự của 11 đoàn thể thao ở khu vực Đông Nam Á với khoảng 20.000 người.
Nhiều hạng mục chậm tiến độ vì thiếu tiền
Theo đề án chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, đại hội sẽ có 40 môn thi và 526 nội dung. Để chuẩn bị, thời gian qua ban tổ chức đại hội đã phải triển khai rất nhiều công việc như: sửa sang cơ sở vật chất phục vụ việc thi đấu của các môn thi; sáng tác biểu trưng biểu tượng, bài hát; tìm đối tác kêu gọi tài trợ cho đại hội...
Đến thời điểm này, gói sửa sang cơ sở vật chất đã được phân bổ kinh phí. Dự kiến ban đầu có 602 tỉ đồng được dùng để sửa sang 4 công trình do trung ương quản lý là: Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, đường đua xe đạp tại Hòa Bình, trường bắn Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Nhà thi đấu Đại học thể thao Bắc Ninh.
Tuy nhiên, toàn bộ kinh phí tổ chức đại hội vào khoảng 1.000 tỉ đồng đến giờ vẫn chưa được phân bổ. Do chưa có kinh phí, quá trình triển khai đấu thầu, mua mới trang thiết bị thi đấu của nhiều môn thi... không thể triển khai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-11, một thành viên ban tổ chức SEA Games 31 nói: "Chúng tôi rất lo lắng bởi các dự án mua sắm trên 100 triệu đồng đều phải tổ chức đấu thầu công khai. Do rất nhiều trang thiết bị thi đấu phải nhập khẩu từ nước ngoài nên cần triển khai sớm, nếu không đến khi SEA Games diễn ra vẫn không có thiết bị".
Nguồn thu từ SEA Games có thể sẽ sụt giảm
Số tiền dự kiến thu về từ công tác tổ chức SEA Games 31 là 190 tỉ đồng. Trong đó có 100 tỉ đồng thu từ việc ăn ở của các đoàn tham dự đại hội; 25 tỉ đồng thu từ hoạt động tài trợ, quảng cáo; 65 tỉ đồng thu từ khai thác bản quyền truyền hình. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nguồn thu từ SEA Games 31 có thể sẽ giảm nhiều, nhất là thu từ khai thác bản quyền truyền hình và công tác tài trợ.
Theo đề án ban đầu tổ chức SEA Games 31 của Bộ VH-TT&DL, mức chi cho công tác y tế và kiểm tra doping là 31 tỉ đồng. Nhưng trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, số tiền phải chi cho công tác y tế, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh sẽ đội lên rất nhiều lần. Làm sao để đảm bảo an toàn cho các thành viên tham dự SEA Games 31 là thách thức lớn nhất với chủ nhà VN lúc này.
Lo cho phong độ của các VĐV
Do ảnh hưởng của dịch, gần một năm qua hầu hết VĐV các đội tuyển quốc gia không được thi đấu cả trong và ngoài nước. Điều này khiến phong độ nhiều VĐV của đoàn thể thao VN bị trì trệ, nguy cơ ảnh hưởng đến thành tích tại SEA Games 31. Do đó, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT - cho biết từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12 tới tổng cục cố gắng tổ chức 21 giải quốc gia để các VĐV có thể lấy lại phong độ.
Ông Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn bóng bàn - cho biết dù cố gắng nhưng đội tuyển bóng bàn cũng chỉ có thể tham dự một giải quốc tế tại Hungary vào tháng 12 tới. Với môn bơi lội, hiện các VĐV đang tập huấn tại Hungary và sẽ sang UAE dự Giải bơi vô địch thế giới vào tháng 12-2021.
Dù vậy, các HLV cho biết chỉ hy vọng sau giải vô địch thế giới các kình ngư Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Quý Phước cũng chỉ có thể trở lại phong độ của giai đoạn đầu năm 2021 - thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát mạnh tại VN.
TTO - Ngày 28-10, bộ trưởng thể thao các nước ASEAN đã nhóm họp và đưa ra tuyên bố chung. Các bộ trưởng cam kết sẽ hỗ trợ và đưa nhiều hơn các môn thể thao trong chương trình thi đấu của Olympic, Asiad vào SEA Games.
Xem thêm: mth.21441758172111202-ob-nahp-coud-auhc-nav-13-semag-aes-cuhc-ot-ihp-hnik-gnod-it-000-1/nv.ertiout