Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) được tiêm vắc xin mũi 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Văn phòng Chính phủ ngày 27-11 có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tổng kết, đánh giá công tác phòng chống dịch COVID-19 đợt dịch 4, tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống COVID-19, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30-11.
Phối hợp với Bộ Giáo dục - đào tạo và các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em an toàn, khoa học, hiệu quả; có kế hoạch tiêm mũi 3 đối với người đã tiêm 2 mũi đủ thời gian.
Những người được tiêm vắc xin đầu tiên ở Việt Nam được tiêm tháng 3-2021 (vắc xin Astra Zeneca), tiêm đủ 2 mũi vào cuối tháng 5, đến nay đã là 6 tháng và nhiều quốc gia khuyến cáo tiêm mũi bổ sung sau 6 tháng tiêm đủ 2 mũi.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng virus (hiện đã có 36 tỉnh thành triển khai nhưng số lượng thuốc còn lại rất hạn chế), phân bổ thuốc điều trị đến các địa phương, bảo đảm đủ thuốc điều trị (tự nguyện) cho người bị nhiễm, rút gọn tối đa các thủ tục hành chính phê duyệt, cấp phép nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm các nước để có hướng dẫn việc cách ly phù hợp cho người tiêm vắc xin đủ 2 mũi, xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; khẩn trương hướng dẫn việc xã hội hóa xét nghiệm, giá kit xét nghiệm để phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay, hướng dẫn này cần xong trước ngày 5-12.
Tăng cường cung cấp thông tin minh bạch, chính xác về phân bổ, tiêm chủng vắc xin để địa phương, người dân được biết và theo dõi.
Nhiều địa điểm tại Hà Nội bị phong tỏa khi phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Trẻ không tiêm vắc xin vẫn được đến trường nhưng cần được hỗ trợ đặc biệt
Công tác thí điểm dạy, học trực tiếp tại xã Thạnh An (Cần Giờ) thu được kết quả khả quan. Qua thí điểm học trực tiếp tại trường, ngành giáo dục sẽ báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM kế hoạch cho học sinh trên các địa bàn khác của TP được quay lại trường học tập.
Sở Y tế và Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM đã trình UBND TP phương án tốt nhất để đưa học sinh trở lại trường. TP đã phê duyệt bộ tiêu chí đảm bảo an toàn trường học, đề cập đến khoảng cách an toàn giữa các em học sinh.
Đối với những học sinh không được/hoãn tiêm vắc xin COVID-19 vì nhiều lý do, sở cho biết, các em vẫn được đến trường như những học sinh khác. Tuy nhiên, nhà trường, thầy cô sẽ coi những học sinh trên là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ đặc biệt. Ngoài học tập, các em sẽ được quan tâm về các phương diện khác để đảm bảo an toàn.
F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50-100 hộ có F0
UBND TP.HCM ban hành quyết định số 4028 quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trong công tác chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn.
Cụ thể, trạm y tế phường, xã phải sẵn sàng tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn xã; phối hợp lập hồ sơ điều trị tại nhà cho các F0 diện được chăm sóc tại nhà do trạm y tế xã và các trạm y tế lưu động đảm trách.
Chịu trách nhiệm phân bổ số lượng F0 đến các trạm y tế lưu động, thường xuyên liên lạc với tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để hỗ trợ và đảm bảo hoạt động chăm sóc F0 theo đúng quy định…
Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0 từ trạm y tế xã, trạm y tế lưu động phải tiếp cận hộ gia đình có F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm quản lý.
Khi F0 có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh; đồng thời liên hệ tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường 11, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Xuất hiện tình trạng chậm trễ cấp cứu người bệnh đang cách ly hoặc liên quan COVID-19
Trong vài ngày vừa qua, đã xuất hiện ít nhất 2 người bệnh bị cấp cứu chậm trễ do các vấn đề liên quan COVID-19.
1 trong 2 trường hợp này diện F1 đang cách ly tập trung, bị mảnh kính rơi vào chân, chảy nhiều máu, nhưng 2 giờ kể từ khi bị tai nạn vẫn chưa được nhập viện.
Trường hợp còn lại 72 tuổi, có bệnh nền, test nhanh dương tính ngày 24-11, chờ kết quả PCR, chiều 24-11 bắt đầu có hiện tượng khó thở, ho... nhưng đến ngày 26-11 chưa có kết quả PCR nên chưa được coi là F0, chưa được tiếp nhận vào bệnh viện.
2 bệnh nhân này hiện đều đã được cấp cứu, điều trị, rất may là được điều trị kịp thời sau khi đưa câu chuyện lên mạng xã hội. Trường hợp bị mảnh kính rơi vào chân kể trên thương tích khá nặng, kíp mổ đã phẫu thuật cho bệnh nhân trong hơn 1 giờ đồng hồ.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 27-11 ghi nhận thêm 272 ca COVID-19, trong đó có 146 ca cộng đồng, 88 ca khu cách ly và 38 ca khu phong tỏa. Cộng dồn số ca tại Hà Nội trong đợt dịch 4: 9.368 ca, trong đó số ca cộng đồng 3.602 ca, số ca là đối tượng đã được cách ly 5.766 ca.
- Tối 26-11 Hải Phòng có thêm 30 ca dương tính chủ yếu diện F1 và học sinh được phát hiện qua khám sàng lọc. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số mũi tiêm vắc xin là 2.584.520 mũi, trong đó 1.438.280 mũi 1 và 1.146.240 mũi 2.
- Tối 26-11 Hà Nam công bố thêm 10 ca dương tính. Sau hơn 2 tháng bùng phát đợt dịch mới, toàn tỉnh ghi nhận 1.350 ca F0, 11.713 ca F1 và 27.309 ca F2.
- Chiều 26-11 Nghệ An ghi nhận 84 ca COVID-19 mới, trong đó có 17 ca cộng đồng. Từ đầu mùa dịch đến nay ghi nhận 4.214 ca COVID-19 ở 21 địa phương. Số bệnh nhân đã khỏi bệnh là 3.152 người. Số bệnh nhân tử vong: 27 người. Số bệnh nhân hiện đang điều trị: 1.035 người.
- Trong 24 giờ (từ 6h ngày 26-11 đến 6h ngày 27-11), Quảng Bình ghi nhận thêm 22 ca COVID-19 mới. Tổng số ca toàn tỉnh Quảng Bình từ trước tới nay hiện là 2.565 ca, 336 bệnh nhân đang điều trị, 6 ca tử vong. 722.835 người đã tiêm vắc xin COVID-19, trong đó 209.705 người đã tiêm đủ 2 mũi.
- Bình Dương ngày 27-11 ghi nhận 716 ca mới, 11 người tử vong. Số ca mắc toàn tỉnh tăng 1,3% so với ngày 26-11. Các ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (64,8%) và qua sàng lọc cộng đồng (12,4%). Tính từ đợt dịch thứ 4, đến nay tỉnh ghi nhận 280.203 ca COVID-19, 2.676 người tử vong.
- Tính đến 6h sáng 27-11, Bình Định đã ghi nhận thêm 186 ca COVID-19. Đây là số ca COVID-19 mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Tính từ ngày 28-6 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 3.652 ca COVID-19, trong đó có 21 ca tử vong.
- Từ 18h ngày 26-11 đến 11h ngày 27-11, Bến Tre có 203 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 6.529 ca. Trong đó, 3.085 ca ra viện, 61 ca tử vong. Đến nay tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Bến Tre đạt 95,11% người trên 18 tuổi, trong đó có 63,63% dân số tiêm đủ 2 mũi.
- Tính đến ngày 27-11, Bạc Liêu ghi nhận 12.386 ca COVID-19. Trong những ngày gần đây, số ca mắc trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao (trên 500 ca mỗi ngày) tạo ra nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh.
- Đến nay, Hậu Giang ghi nhận trên 5.000 ca COVID-19, trong đó có hơn 1.500 người đang cách ly tập trung, gần 3.000 người cách ly tại nhà và nơi cư trú, số người được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe hơn 4.200 người.
TTO - Số ca COVID-19 tăng hằng ngày, trong đó có người đã tiêm vắc xin. Cơ hội phòng bệnh và nguy cơ của người đã tiêm thế nào là vấn đề rất được quan tâm, nhất là ngày 30-11 tới dự kiến Việt Nam sẽ phủ được 100% mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên.