Các “bảo mẫu” ở trung tâm dễ dàng thân thiện vuốt ve “bạn hổ" - Ảnh: TÂM LÊ
Đàn hổ đông đến 36 "chàng", "nàng" tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội ở huyện Sóc Sơn đang được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất có thể. Đây là đàn hổ còn lại lớn nhất cả nước hiện nay, được giải cứu từ những vụ buôn bán và tiêu thụ trái phép.
Xem hổ như bạn
Tuy không được tự do như môi trường hoang dã nhưng ở đây đàn "mèo bự" lại được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe y tế và ăn uống theo chế độ một cách khoa học mà nhiều người nghe đến cũng phải ghen tỵ. Hằng ngày còn có những người bạn là nhân viên chăm sóc chưa bao giờ đối xử tệ với chúng dù chỉ một câu nặng lời.
Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng, người đầu tiên dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi hổ này, đã có cách xưng hô như bạn bè với loài mãnh thú khiến tôi cũng bất ngờ: "Các bạn hổ ở đây được chăm sóc cẩn thận theo đúng quy trình như các động vật khác của trung tâm: dọn vệ sinh chuồng trại, cho ăn và thăm khám bệnh".
Ngoài khám định kỳ theo đợt, mỗi ngày bác sĩ Hằng sẽ đi một vòng thăm khám kỹ lưỡng từng "bạn hổ". Các nhân viên khác cũng để ý sức khỏe của hổ, nếu thấy bất thường thì họ sẽ báo ngay cho bác sĩ.
"Mùa này các bạn hổ dễ bị viêm phổi, nấm da. Thấy các bạn ý bỏ ăn, mệt mỏi là chứng tỏ không khỏe" - bác sĩ Hằng cho biết.
Chúng tôi để ý ở đây các loài vật được nhân viên một gọi bạn, hai cũng gọi bạn rất thân thương, trìu mến. Tất cả đều là bạn: bạn gấu, bạn khỉ, bạn rùa, bạn chim... Ngoài hổ, trung tâm còn chăm sóc, bảo tồn hơn 1.000 cá thể động vật khác có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Riêng hổ và gấu thuộc loài thú dữ nên hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố, vừa an toàn cho nhân viên vừa có không gian cho thú vui đùa.
Kỹ thuật viên Nguyễn Hữu Nghĩa, người gắn bó từ những năm đầu mới thành lập trung tâm, trực tiếp giới thiệu về phòng đặc biệt của các bạn hổ. Anh cẩn thận nhúng giày vào khay nước khử trùng, bước vào lớp cửa sắt đầu tiên phát hiện một điểm bị hoen gỉ ở đầu thanh sắt. Anh gọi ngay cậu nhân viên trẻ báo cần phải thay mới, cậu thanh niên chạy tới xem và gật gù.
"Mỗi phòng chúng tôi phải ngăn làm ba, giữa các ngăn có một cửa khóa. Vệ sinh ô này thì dụ bạn hổ vào ô kia và khóa lại, cho ăn cũng vậy để nhân viên cho thức ăn vào khay an toàn" - anh Nghĩa giải thích.
Mùa đông, bầy hổ được giữ ấm bằng rơm lót nền, mái che được phủ kín bằng những tấm nhựa sáng. Mùa hè, tấm nhựa sẽ được thu bớt lại và làm mát bằng hệ thống phun sương như ở quán cà phê.
Nơi này đang chăm sóc 2 - 3 "bạn hổ" mỗi chuồng, tùy vào việc ghép đàn thành công. Trông "bạn hổ" nào cũng khỏe mạnh, chạy nhảy đầy sức sống và thân thiện với các nhân viên...
Bạn Phù Mát bình thường thì ngoan, cho sờ đầu, dụi tay, nhưng khi cho ăn thì gầm gừ kiểu tham ăn giữ của. Bạn Rết dù nghịch vậy mà có lúc cũng ngoan, nghe lời.
Anh NGUYỄN VĂN THAO
Được chăm sóc chu đáo, các bạn hổ rất khỏe mạnh - Ảnh: TÂM LÊ
Bạn Vòng, Víc, Rết, Xinh…
Đây đều là những tên hổ được đặt theo hình dáng, tính cách, sở thích. "36 bạn hổ có tên khác nhau, nhân viên chỉ cần gọi tên thì các bạn lập tức vui vẻ chạy lại" - bác sĩ Hằng cho biết.
Mỗi chuồng dán một biển gồm hình ảnh và ghi chú tên của hổ cho khách lạ ghé thăm, phân biệt. "Bạn Vòng có đặc điểm nhận dạng là hai vòng dễ nhận thấy ở hai bên sống mũi, gần lông mày. Bạn Rết có các đường vằn vện trên đầu đối xứng nhau, với tỉ lệ 3/4 vòng tròn có chấm ở trong mặt. Bạn Xinh dáng người cân đối, tai to tròn, lông mượt, hiền hậu" - bác sĩ Hằng vui vẻ kể.
Nhóm nhân viên chăm sóc hổ gồm 8 người thay ca nhau. Để đảm bảo an toàn, nguyên tắc hoạt động luôn có 2 người cùng làm với nhau từ khâu cho ăn đến khâu vệ sinh.
Ở chuồng của hổ Rết, 2 người đang dọn vệ sinh ngăn ngoài, 2 người khác tranh thủ thay... đồ chơi cho hổ. Đồ chơi là lốp cao su ôtô cũ, bom bia, khúc gỗ, cành cây thay phiên nhau. Có hẳn một danh sách thay đồ chơi theo ngày cho các "bạn hổ" luyện móng vuốt, chiếc lốp cao su cũ bị cào rách tươm đã được thay mới.
Các "bạn hổ" gầm gừ, lồng lên khi thấy người đụng vào đồ chơi của mình, nhất là người lạ. Cũng có thể chúng động đực tìm hổ cái mà kêu gào, vì hổ cái sống ở khu riêng để tránh việc sinh sản vỡ kế hoạch.
Trong khi đó, các hổ cái đang ở khu bán hoang dã, có sân chơi tự nhiên rộng với nhiều cây lá. Tại đây đang có 2 nhân viên chăm sóc. Chị Lương Quế Thùy đã gắn bó với công việc "bảo mẫu" của hổ 7 năm. Anh Nguyễn Văn Thao trẻ hơn nhưng số năm làm bạn với hổ cũng không kém.
Chị Thùy cho biết có tất cả 12 hổ cái, trông dáng vẻ nhỏ hơn chứ không hiền hơn hổ đực. Chị thân thiện chỉ tay ra gác vuông giữa sân, giới thiệu: "Đấy là bạn Rết, rất năng động dù là hổ cái. Bạn ấy chơi bóng, quần nát bãi rơm mới thay".
Khu này quan trọng nhất là điều khiển hệ thống cửa bằng ròng rọc, gồm 7 cụm khóa cho 6 ngăn chuồng hổ. Nhân viên buộc phải nhớ các số ký hiệu 1/4, 3/4, 2/4... - tương ứng cửa ra khu bán hoang dã, cửa thông nhau, cửa trong, cửa ngoài. Hậu quả của việc nhầm lẫn sẽ hại cho cả hổ và người, vì thế luôn phải có 2 người để hỗ trợ nhau quan sát và điều khiển.
Theo chị Thùy, để làm quen với bạn hổ không quá khó. "Các bạn hổ ưa sự yên tĩnh, không bị chọc giận thì ngoan hiền. Mỗi lần cho ăn hay dọn vệ sinh, mình dịu dàng trò chuyện rồi gọi tên để quen thân".
Đồ chơi bạn hổ yêu thích là bánh xe, bom bia, khúc gỗ - Ảnh T.LÊ
Còn anh Thao cho biết mới đầu vào làm việc nghe tiếng hổ gầm đã sợ. "Người ta nói hổ dữ mà, mình lại đến gần làm việc nhìn bộ móng vuốt thôi đã sợ. Nhưng cái gì cũng quen, làm theo các anh chị đi trước chỉ dẫn rồi nhớ".
Đến giờ anh Thao có thể thuộc lòng tính cách của từng bạn hổ: "Bạn Phù Mát bình thường thì ngoan, cho sờ đầu, dụi tay nhưng khi cho ăn thì gầm gừ kiểu tham ăn giữ của. Bạn Rết dù nghịch vậy mà có lúc cũng ngoan, nghe lời. Bạn Khoai thì không có gì nổi bật, không nghịch...".
Giờ ăn, anh Thao cẩn thận chia đều các phần thịt gà, bò, xương lợn cho từng con. Thấy chúng tôi trầm trồ suất ăn của hổ, anh Thao vui vẻ: "Ai đến cũng khen bạn hổ có suất ăn ngon hơn người". Mỗi ngày hổ ăn 2 lần, khẩu phần một con thường khoảng... 3kg gà, 1,5kg bò, 1kg xương, trị giá hơn 1 triệu đồng/ngày.
Anh Thao cho khay thức ăn sát vào cửa, đẩy vào bên trong hoặc hổ tự kéo. "Nên cẩn thận, vì bạn hổ thấy thức ăn dễ kích động, vồ mồi mà không còn biết ai là bạn" - anh Thao cười nói.
Hổ thưởng thức các món gà, bò, heo - Ảnh: TÂM LÊ
Cho bé hổ... bú bình
"Cứ hai tiếng lại cho bé hổ bú bình một lần, chúng tôi thay nhau thức đêm, đặt chuông đồng hồ để dậy. Suốt ba tháng liên tục, tới khi bé hổ đã biết ăn thịt mới dừng. Hồi đó, vợ tôi sinh hai con đã đến tuổi đi học, nhưng chưa có cháu nào tôi phải thức chăm nhiều như chăm bé hổ" - anh Nghĩa cười, khoe ba chú hổ con đó giờ đã trưởng thành, to khỏe.
Thấu hiểu loài vật
"Tôi mong nhân viên có thể học được khả năng tương tác với mỗi loài vật, vì chỉ khi thấu hiểu chúng mới làm tốt công việc bảo tồn" - ông Lương Xuân Hồng, giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, chia sẻ.
Ông Hồng là một người tâm huyết với các loài động vật và mong muốn chúng được trở về với tự nhiên sống an toàn. Nhiều lần ông Hồng trực tiếp trèo đèo, vượt thác vào nơi sâu thẳm của rừng già để trả một số loài về với tự nhiên. Để thực hiện được một chuyến đi như thế, ông phải rèn luyện thể thao, chạy bộ, leo dốc hàng tháng trời.
Ông cũng mong muốn các "bạn hổ" được trả về tự nhiên, nhưng hiện nay cả nước không có cánh rừng nào đủ điều kiện để bảo vệ hổ.
Trong khu cứu hộ, bảo tồn có diện tích khiêm tốn này, ông Hồng chỉ có thể cùng các nhân viên của mình chăm sóc sức khỏe cơ bản cho chúng và giúp loài mãnh thú giữ đặc tính của giống loài, để một ngày bỗng được trở về với thiên nhiên mà không quá bỡ ngỡ.
Trước khi tạm biệt cô, cậu chúa sơn lâm đẹp như tranh vẽ ở khu bảo tồn nhiều cây xanh, anh Nghĩa bỗng nhớ ra một kỷ niệm dễ thương.
Chừng 13 năm trước, trung tâm đón về 3 chú hổ con mới chào đời. Anh Nghĩa và một đồng nghiệp thay nhau vỗ về, ẵm bồng cho các bé hổ uống sữa chẳng khác gì con mình.
Rất khó phục hồi đàn hổ trong tự nhiên
Theo điều tra của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, đến tháng 5-2019 cả nước có 16 cơ sở đăng ký nuôi nhốt hổ với 243 cá thể. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là hổ nhập từ nước ngoài. Hổ Đông Dương hiện còn rất ít trong các khu bảo tồn và không thuần chủng.
Thêm việc cao hổ có giá trị thương mại cao nên việc buôn bán, săn giết khó dừng. Điều này khiến công tác phục hồi đàn hổ trong tự nhiên tại Việt Nam càng khó.
TTO - Đến Thảo cầm viên TP.HCM, du khách được thỏa sức ngắm các chàng và nàng 'mèo bự' diễu oai như giữa chốn rừng xanh. Nhưng ít ai biết nhân viên ở đây đã phải làm gì để các chúa sơn lâm được 'thong dong' giữa thành phố...
Xem thêm: mth.31764022221102202-man-teiv-tahn-nol-oh-nad-auc-uam-oab/nv.ertiout