Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống đại lý Ôtô Hiền (TP HCM), cho biết tốc độ tiêu thụ xe hơi đã qua sử dụng rất chậm do nhu cầu hiện còn thấp. Trong khi đó, lượng xe cũ do ngân hàng (NH) xiết nợ rồi chuyển ra thị trường lớn hơn nhu cầu rất nhiều. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao xe do NH thu hồi của khách hàng có nợ xấu thường thấp hơn giá bán trên thị trường vài chục triệu đồng.
Ông Ngô Thanh Tiến (ngụ quận 8, TP HCM) vay NH 400 triệu đồng để mua ôtô chạy dịch vụ nhưng chiếc xe nằm "đắp chiếu" nửa năm nay do tình hình dịch Covid-19 khiến ông không thể thanh toán nợ đúng hạn. Cách đây ít ngày, chiếc xe đã bị NH thu hồi để thanh lý nợ. "NH giữ giấy tờ xe của tôi khi vay nên muốn bán xe cũng không được, đành chấp nhận để họ lấy xe với giá thấp" - ông Tiến buồn bã.
Dịch vụ xe công nghệ đã được hoạt động trở lại nhưng còn ế ẩm do khách lo ngại dịch bệnh
Tương tự, ông Lê Tuấn Minh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) mua chiếc Toyota Vios giá gần 600 triệu đồng bằng tiền vay NH và người thân để chạy GrabCar. Hơn nửa năm qua, do giãn cách xã hội, không có thu nhập để trả nợ, ông đành bán chiếc xe lỗ 100 triệu đồng. "Bán xe xong, trả nợ cũng không đủ. Hiện tôi vẫn còn khoản nợ người thân nhưng chưa thu xếp được tiền để trả" - ông Minh kể.
Với dân mua xe để kinh doanh dịch vụ, tình trạng nợ nần càng nặng nề hơn. Năm ngoái, ông Trịnh Minh Thành (ngụ quận 5, TP HCM) vay NH 2 tỉ đồng để mua 9 chiếc Kia Morning cũ, dự định cho tài xế chạy GrabCar thuê. Chưa kịp có nguồn thu thì dịch Covid-19 bùng phát liên tiếp, người thuê trả xe đồng loạt, thậm chí còn nợ hoặc "xù" tiền thuê xe với lý do không có khách. "Dịch vụ xe công nghệ 4 bánh hiện đã được phép hoạt động trở lại nhưng ít tài xế dám thuê xe bởi người dân còn e ngại dịch bệnh nên ít gọi xe. Tôi đã tính bán bớt xe để trả nợ NH nhưng cũng không có ai mua" - ông Thành ngao ngán.
Ông H.V.T, Tổng Giám đốc Công ty ĐHT, cách đây 2 năm đã đầu tư khoảng 150 tỉ đồng mua 32 xe loại 45 chỗ và 20 xe loại 16 chỗ để chở khách tuyến TP HCM - Gia Lai, trong đó có 70 tỉ đồng vay NH. Đến tháng 6 vừa qua, khi ông còn nợ NH khoảng 45 tỉ đồng thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến mọi tuyến vận chuyển hành khách bị gián đoạn.
Hàng loạt xe nằm không trong khi mỗi tháng, ông phải thanh toán cho NH cả nợ gốc và lãi là 2,5 tỉ đồng. "Do trả đúng hạn nên tôi được NH cho giãn nợ đến hết năm. Tuy nhiên, áp lực vào năm tới là rất lớn. Dự kiến, từ tháng 1-2022, công ty phải thanh toán cho NH cả nợ cũ và mới khoảng 5 tỉ đồng/tháng, trong khi chưa biết doanh thu có khá hơn hiện giờ không" - ông T. lo lắng.
Nhiều chủ xe nợ NH đặt câu hỏi họ có được hưởng chính sách giãn, giảm... thuế như với doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19?
Phía NH cho biết NH có điều khoản cụ thể về việc chia sẻ rủi ro cho khách hàng. Dù vậy, đa phần khách hàng vay mua xe không đáp ứng được đầy đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. "Để được giãn nợ, khách hàng phải vay với mục đích kinh doanh, thanh toán nợ đúng hạn.
Trong khi đó, khi mua xe, phần lớn khách được nhân viên đại lý tư vấn ký hợp đồng vay tiêu dùng với lãi suất thấp hơn vay kinh doanh và không được giãn nợ như đối tượng vay kinh doanh. Ngoài ra, nhiều chủ xe tuy ký hợp đồng vay kinh doanh nhưng không có lịch sử trả nợ đúng hạn nên cũng không được giãn nợ" - đại diện một NH thông tin.
Tăng cường hỗ trợ tài xế
Hãng xe công nghệ Be cho biết thời gian qua, hãng triển khai linh hoạt nhiều dịch vụ giúp đối tác tài xế có thêm thu nhập, đồng thời có chính sách hỗ trợ tài xế gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Be cũng dự kiến triển khai thêm chương trình hỗ trợ đối tác tài xế thật sự khó khăn trong thời gian tới.
Tương tự, hãng xe công nghệ Grab mới đây đã phê duyệt khoản tiền 70 tỉ đồng ủng hộ Chính phủ phòng chống dịch và hỗ trợ trực tiếp cho một số đối tác tài xế, đối tác nhà hàng đang hoạt động trên nền tảng này.
Xem thêm: mth.65082101272111202-uv-hcid-yahc-ex-aum-iv-on-mo/yam-neid-ex-oto/nv.moc.dln