vĐồng tin tức tài chính 365

Việt Nam ơi, tôi đã về nhà!

2021-11-28 11:09

Sau gần hai năm kẹt lại Mỹ vì dịch bệnh, một buổi chiều cuối thu đi làm về, tôi tự nhủ với lòng, phải về nhà thôi! Tính từ lúc rời nhà tới khi đến sân bay Cam Ranh, tôi trải qua ba chuyến bay từ Washington D.C. tới Los Angeles, rồi Seoul trong gần 48 tiếng với rất nhiều thủ tục, đợi chờ mệt mỏi và tiền vé một chiều bằng năm chuyến trở về trước đó.

Nhưng không sao, tiền vé không thành vấn đề. Được ngồi trong máy bay của hãng Việt, khách toàn người Việt là vui lắm rồi.

Chuyến bay từ Seoul tới Cam Ranh hơn bốn tiếng mà như dài vô tận. Bà con ai cũng bồn chồn rồi kể nhau nghe những dự định sẽ làm. Có người tính ở tới qua Tết mới đi. Có anh hỏi tôi ở bao lâu, ba tuần thôi, trời ơi, về chi cho uổng tiền vé...!

Máy bay chuẩn bị hạ cánh, tim tôi đập thình thịch, mắt nhòe đi vì xúc động. Bánh máy bay nghiến chạm vào phi đạo. Đó có thể được coi là giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời. Khi đẩy xe hành lý ra ngoài, hít một hơi thiệt dài trước, tôi nghĩ mình đã được về nhà rồi đấy.

Nhưng trước mắt là thời gian cách ly. Tôi ở khách sạn Vinpearl Condotel Empire nhìn phố lẫn biển Nha Trang. Nhà cách chỉ chưa tới 30km, nhưng phải đợi bảy ngày dài nữa.

Hai ngày đầu, do mệt nên tôi chỉ ăn và ngủ. Tới ngày thứ ba, cảm giác tù túng, không giao tiếp đã bắt đầu làm tôi khó chịu. Mỗi sáng thức giấc, ra bancông, tôi càng muốn được bước ra, hòa mình vào cuộc sống bên ngoài.

Nhưng rồi cũng phải chấp nhận những ngày cách ly bằng sống ảo, đi bộ thư giãn để giữ tinh thần và tập thể dục.

Từ cửa phòng ra bancông khoảng 7m, đi khoảng 13 bước chân. Một vòng chừng 25 bước. Qua ứng dụng Health đo nhịp tim, đếm bước chân và quãng đường, kỷ lục có ngày tôi đi được 17.000 bước, quy ra khoảng 11km, nghĩa là tôi đi ra đi vô tới gần 700 vòng mà không chóng mặt!

Vẫn không hết thời gian, tôi lên YouTube, nghe từ nhạc vàng, nhạc đỏ tới nhạc trẻ, chuyển qua cải lương, tân cổ rồi xỏ giày đi ra đi vô...

Rồi chị tôi gọi, cậu muốn ăn món gì không? Ác ghê chưa. Lại kích thích cơn thèm ăn. Được về nhà, mỗi sáng tôi sẽ ngồi cà phê với bạn. Ra chợ và đi dọc phố xá Ninh Hòa, ăn hết những món mình yêu thích như bánh căn, bánh xèo, bánh bèo... và mấy chục loại chè. Rồi nhờ chị kho các loại mắm, nấu canh chua, kêu em họ vào làm bánh tai vạc với nước mắm ớt tỏi thiệt cay để ăn cho đã cái nư, bõ công chờ đợi.

Đêm cuối ở khu cách ly, tôi không ngủ được. Vừa nôn nao, vừa sợ lỡ bị... dương tính lại ở thêm tuần nữa. Lúc này tôi nghĩ phải ngả nón chào những người về trước, chịu cách ly 14 hay 21 ngày.

Sáng ngày cách ly cuối cùng, tôi không ăn uống gì. Liên tục gọi hỏi đã có giấy hoàn thành cách ly chưa. Gần giữa trưa, chuông điện thoại réo vang, tôi nhảy mém đụng trần nhà. "Tự do muôn năm".

Sau bảy ngày dài, tôi đã được gặp nhiều người đến thế. Thị xã Ninh Hòa ở trước mặt kia rồi. Nếu không có người ở đây chắc tôi đã khóc như đứa trẻ. Tôi luôn tự hào là sau 21 năm sống xứ người, nhưng chất Việt trong tôi vẫn rất đẫm đầy và mỗi lần về quê, tôi vẫn nôn nao như đứa trẻ mới lớn lên mong bánh quà của má.

Xe dừng lại trước nhà. Ngoài sân, mâm chè cúng các bác với cái đèn dầu hột vịt và bình bông điệp vàng làm tôi nhớ ba má mình. Trên bàn, một dĩa cơm thịt ba chỉ có đồ xào, trứng vịt và mắm chưng kèm một tô bún cá nóng hổi bên cạnh dĩa rau sống xắt nhỏ và mấy quả mãng cầu đã để sẵn. Tôi chỉ kịp rửa tay, ngồi xuống và húp một miếng nước lèo. Vị âm ấm, ngọt lịm của nước xương cá ngừ, chua của chanh, cay xè của ớt chạy dọc lấy cơ thể mình.

Tôi biết, mình đã chính thức về nhà rồi đấy.

Tôi nghĩ, hàng triệu bà con mình ở xa xứ cũng đang canh cánh những ngày này. Ngày phép có hạn, mất 7 ngày cách ly. Nhưng ai cũng mong có được giây phút như tôi "tôi đã về nhà", bên người thân yêu.

Hết giãn cách con vềHết giãn cách con về

TTO - Bước sang những tháng cuối năm, thành phố lại tiếp tục đợt giãn cách mới. Ba ngày trước mẹ gọi điện, nói với tôi rất nhiều chuyện. Cú điện thoại đó đã vực dậy tôi khỏi những cảm xúc tiêu cực.

Xem thêm: mth.17235037082111202-ahn-ev-ad-iot-io-man-teiv/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Việt Nam ơi, tôi đã về nhà!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools