Hành khách đi lại trong sân bay Haneda của Nhật - Ảnh: AFP
Nhưng mấy ngày rồi, nghe báo chí nói nhiều về biến thể mới Omicron, tôi lại thấy lo lo, không biết rồi mọi sự sẽ còn xoay vần đến đâu.
Đã gần hai năm rồi tôi chưa được về nhà, bất giác trong lòng có một cảm giác thật lạ lùng với chính mình. Quê nhà với tôi luôn rất gần và không khoảng cách, vì tôi làm về du lịch và xúc tiến thương mại nên việc đi lại giữa Nhật và Việt Nam vốn là chuyện "cơm bữa". Ấy mà nay, nó lại thành mơ ước!
Giá như không có 7 ngày
Trước đây do công việc, tôi thường xuyên bay qua lại giữa hai nước. Mỗi lần đi như vậy thường khoảng 7 - 10 ngày là đủ để tôi vừa xong việc vừa có thể thăm gia đình.
Nhưng bây giờ, nếu về Việt Nam tôi phải lên lịch ít nhất một tháng vì sẽ mất một tuần cho cách ly. Đó là vì tôi đã tiêm 2 mũi, còn không sẽ là số ngày gấp đôi.
Bảy ngày với tôi là chuyện không đơn giản để lo trọn vẹn mọi thứ. Dù rất nhớ gia đình nhưng công việc ở Nhật quá bận bịu, tôi đâu dễ sắp xếp một chuyến đi dài ngày như thế.
Bạn bè người Việt chia sẻ nhiều trăn trở về những chuyến bay về nước lúc này, nhất là những người muốn hồi hương sau khi hết hợp đồng lao động ba năm tại Nhật.
Sau ba năm làm lụng cật lực, lúc này ai cũng có chút ít để dành. Nhưng giá vé máy bay về Việt Nam lúc này đang rất đắt vì ảnh hưởng dịch bệnh. Chưa kể tiền cách ly ở khách sạn, ăn uống, rồi tiền di chuyển nội địa về nhà. Trăm khoản chi mà túi tiền người lao động nào cũng có hạn.
Trong khi đó, dù không ngại chi phí, nhưng một số đối tác Nhật của tôi lại lo lắng không biết có nguy cơ lây bệnh nào khi cách ly không? Cũng như tôi, họ ngại thời gian cách ly quá dài khiến lịch trình công tác "phình" ra, có thể ảnh hưởng tới công việc tại Nhật.
Điều mong mỏi nhất của tôi lúc này là chính phủ sớm có những chỉnh sửa quy định, rút ngắn hơn nữa thời gian cách ly thì tuyệt vời biết bao. Từ giờ tới Tết Nguyên đán vẫn còn hơn 2 tháng, nếu sửa đổi này thành hiện thực, tôi vẫn còn cơ hội đặt vé về thăm ba má.
Ước mơ của người xa xứ
Không dám mong quy định cách ly được bỏ hoàn toàn lúc này, nhất là khi những thông tin về biến chủng mới Omicron lại bắt đầu ám ảnh tất cả mọi người, tôi chỉ mong khoảng thời gian này rút xuống còn 3 ngày. Dĩ nhiên, đó là với những người đã chích ngừa đủ và có kết quả xét nghiệm PCR trong vòng 3 ngày khi nhập cảnh.
Tôi tin chỉ một chút điều chỉnh này thôi cũng sẽ giúp tôi và nhiều người xa xứ đang ngong ngóng Tết sẽ phấn khởi lên kế hoạch về nhà ngay lập tức. Sau hai năm mệt mỏi với dịch bệnh, thực sự lúc này được về bên cha mẹ là niềm hạnh phúc lớn hơn mọi thứ với tôi.
Tôi thậm chí còn có một mơ ước nữa, nếu chính phủ vẫn còn lo lắng về nguy cơ lây nhiễm từ các chuyến bay thì có thể hạn chế vùng đi lại cho người mới nhập cảnh căn cứ trên nguyện vọng và mong muốn của họ về công tác.
Chẳng hạn như tôi, công việc chính của tôi lúc này chủ yếu ở TP.HCM, vậy nếu được phép sau khi nhập cảnh chỉ được đi lại trong phạm vi thành phố này thì với tôi cũng đã là "mỹ mãn".
Khi "mơ" tới điều này, thực sự tôi đã nghĩ tới một chính sách tương tự từng biết qua một đối tác người Nhật. Khi người này bay từ Nhật đến Hawaii hay Dubai, chỉ cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, người này đã được nhập cảnh không cần cách ly (trường hợp này xét nghiệm PCR 2 đầu sân bay). Nhờ vậy, bạn đối tác người Nhật đã thành công trong một dự án tại Hawaii ngay trong mùa dịch.
Thực tế từ đầu tháng 11, với những người đến Nhật công tác ngắn ngày, chính quyền đã giảm thời gian cách ly xuống còn 3 ngày với người đã tiêm đủ 3 loại vắc xin của Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Những người có ý định ở lại lâu dài, như lưu học sinh và thực tập sinh kỹ thuật, vẫn sẽ phải cách ly 14 ngày sau nhập cảnh.
TTO - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhắc nhở các quốc gia Đông Nam Á không hạ thấp cảnh giác trong bối cảnh thế giới đang lo lắng về "biến thể đáng lo ngại" Omicron.
Xem thêm: mth.40550403272111202-eht-neib-ueis-oc-gnud-gnom/nv.ertiout