Mặc dù số lượng xuất khẩu gạo năm 2021 có thể không đạt 6,5 triệu tấn, nhưng giá bán cao sẽ đưa tổng kim ngạch đạt trên 3 tỉ USD.
Gạo Việt khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới
Chia sẻ với PV Lao Động sáng 28.11, doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết: Trung An đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trong sản xuất vụ thu đông 2021-2022, tập trung đầu tư, chế biến để xuất khẩu 15.000 tấn gạo 100% tấm (gạo để nấu bia) sang thị trường Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 3.2022 đến tháng 6.2022, giá xuất khẩu gạo của lô hàng mà Trung An trúng thầu lên tới 369 USD/tấn FOB, cao hơn giá thị trường 31 USD/tấn.
“Chất lượng gạo của Việt Nam rất tốt, thế giới biết điều đó, nhưng một số doanh nghiệp vì cạnh tranh mà giảm giá, ảnh hưởng đến thương hiệu gạo. Cần bỏ ngay tư duy này để uy tín của gạo Việt được nâng cao trên thị trường thế giới” – ông Phạm Thái Bình nêu ý kiến.
Cũng theo doanh nhân Phạm Thái Bình, từ đầu năm 2021 đến nay dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Công ty Trung An đã vượt qua khó khăn, đưa sản lượng gạo xuất khẩu đạt 177.000 tấn với kim ngạch trên 30 triệu USD, tăng 67% so với năm 2020. Dự kiến, đến cuối năm 2021, Trung An sẽ về đích với tổng sản lượng gạo xuất khẩu đạt 190.000 tấn.
Ông Nguyễn Việt Anh - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp) - cho hay, do chất lượng gạo Việt Nam được thế giới ưa chuộng, nên ít khi có gạo tồn kho.
Điều đáng nói là, giá gạo của Việt Nam cao hơn, nhưng các doanh nghiệp Philippines rất quan tâm đến gạo của Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Lan tìm mọi cách đẩy mạnh bán gạo cho thị trường này.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - ông Nguyễn Duy Thuận - cho biết: Sau đợt dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, hiện tại Lộc Trời đang đẩy mạnh chế biến phục vụ cho xuất khẩu.
Được biết, Lộc Trời là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước xuất khẩu gạo sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trong 9 tháng năm 2021, chiếm gần 70% lượng gạo xuất khẩu vào thị trường có nhiều hàng rào kỹ thuật bậc nhất này.
Theo anh hùng lao động – kỹ sư Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của gạo ST25 đã đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”, những loại gạo ngon có mùi thơm lá dứa (phía Nam) và hương cốm của lúa tám thơm (phía Bắc) trên thế giới chưa nước nào làm được thì Việt Nam đã thành công.
Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí của kỹ sư Hồ Quang Cua đã góp phần khẳng định vị trí gạo Việt trên bản đồ gạo thế giới khi gạo ST24, ST25 đã đạt đến “đẳng cấp”: Có cùng hàm lượng amylose với gạo 5 lần ngon nhất thế giới là Khao Dawk Mali của Thái Lan, nhưng có độ bền gen cao hơn đến 15%.
Điều này cho thấy, Việt Nam có thể tự tin với thời kỳ giá gạo "ngàn đô", thay cho mức giá trung bình 300-400 USD/tấn, chưa nêu đúng thực chất của giá trị gạo Việt.
Giảm sản lượng, tăng giá trị - đúng mục tiêu tái cơ cấu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng và tăng giá trị, tức là giảm số lượng gạo xuất khẩu nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo lại tăng. Đây cũng là định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo mà Bộ NNPTNT đặt ra từ đầu năm.
Từ những dẫn chứng thực tế nêu trên, cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đi đúng hướng. Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết: Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo đạt trên 5,183 triệu tấn, trị giá 2,738 tỉ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 3,7% về giá trị.
Trong năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở “top đầu”, cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Giá gạo cao sẽ hỗ trợ, bù đắp vào số lượng gạo xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Vì vậy, mặc dù dự báo số lượng gạo xuất khẩu cả năm 2021 nhiều khả năng không đạt 6,5 triệu tấn, dừng lại ở mức từ 6-6,2 triệu tấn, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo có thể vẫn đạt trên 3 tỉ USD, bởi dự báo giá gạo trong tháng cuối cùng năm 2021 ít có khả năng giảm đột biến.
Xem thêm: odl.675879-dsu-it-3-nert-tad-nav-oab-ud-man-teiv-auc-oag-uahk-taux-gnoul-os-maig/et-hnik/nv.gnodoal