Hình ảnh thể hiện các đột biến của biến thể Omicron (phải) và Delta (trái) - Ảnh: ANSA
Ngày 28-11, Hãng tin ANSA của Ý dẫn hình ảnh minh họa từ nhóm nghiên cứu của Đại học Bambino Gesu tại Rome, so sánh Omicron với Delta, biến thể nguy hiểm nhất hiện nay.
"Đây là một mô hình được dựng lên trong phòng thí nghiệm. Về nghĩa rộng, đây là một ‘bức ảnh’", Hãng tin RIA Novosti dẫn lời đại diện của Bệnh viện Bambino Gesu nói.
Hình ảnh cho thấy các đột biến của Omicron, được tô đỏ trong hình, nhiều hơn hẳn so với Delta, đặc biệt là tại những vị trí tiếp xúc trực tiếp với tế bào trong cơ thể người. Mức độ đột biến giảm dần tại những vùng màu cam, vàng, xanh lá và cuối cùng là xám không có thay đổi gì.
Theo các nhà nghiên cứu, điều này không có nghĩa là biến thể Omicron nguy hiểm hơn mà chỉ cho thấy virus đang tạo ra biến thể thích nghi với con người hơn. "Các nghiên cứu sâu hơn sẽ cho chúng ta biết liệu sự thích nghi này là bình thường, ít nguy hiểm hay nguy hiểm hơn", nhóm cho biết.
Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại khu vực phía nam châu Phi vào đầu tháng 11-2021. Biến thể mới được cho là đã vượt các biến thể khác và thống trị khu vực này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào danh sách biến thể đáng lo ngại với nhiều thông tin ban đầu đánh giá nó có khả năng lây lan nhanh hơn và kháng kháng thể.
Các ca nhiễm Omicron đã được phát hiện bên ngoài lục địa đen, từ châu Âu, Anh cho đến Israel, Úc, Hong Kong. Hàng loạt quốc gia đã hạn chế người nhập cảnh nhiều nước châu Phi, trong đó Israel quyết định đóng cửa biên giới hoàn toàn.
TTO - Sau bài học Delta từ Ấn Độ, thế giới cảnh giác cao độ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là có nguy cơ kháng vắc xin hơn. Nhưng còn quá sớm để dự báo điều gì đang chờ đợi nhân loại.